Từ nhận biết mối quan hệ biện chứng giữa sự biến đổi về lượng và chất của sự vật hiện tượng, người học được bồi đắp thêm đức tính kiên trì và nhẫn nại bằng phương pháp học tập sinh động, biến hóa. Đó là tiết dạy đổi mới của thầy Tô Văn Hùng (giáo viên bộ môn GDCD Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM).
Bài học với rất nhiều tranh, ảnh |
Học sinh tự lấy tri thức từ sách vở
Theo mục tiêu bài giảng của giáo viên bộ môn, Cách thức vận động và phát triển của sự vật hiện tượng là bài 5 của môn GDCD chuyển tải đến học sinh các khái niệm cũng như mối quan hệ giữa lượng và chất. Tuy chưa phải là những định danh trừu tượng nhưng nếu dạy theo phương pháp cũ thì tiết dạy dễ làm cho không khí lớp học đơn điệu, học sinh khó tiếp thu.
Chính vì thế ở hoạt động 1, sau khi kiểm tra bài cũ, cả lớp được chia ra 4 nhóm với 4 tên gọi cũng là những nội dung chính của kiến thức trong bài: Chất – Lượng – Độ – Nút. Tùy theo tên gọi của mỗi nhóm, giáo viên yêu cầu học sinh động não trả lời những câu hỏi cụ thể về tính chất của sự vật từ đặc điểm của đường và tinh bột. Thông qua trò chơi ghi trên giấy và điền khuyết đơn giản, các em nhanh chóng tìm ra manh mối phạm trù chất và lượng thay vì giáo viên ngồi một chỗ đọc cho học sinh chép như cách dạy từ chương trước đây. Khái niệm “nếu chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản vốn có thì lượng lại đề cập đến trình độ phát triển, quy mô, tốc độ, số lượng của sự vật, hiện tượng” được các em tô đậm vào trí nhớ. Sinh động hơn ở hoạt động 2, học sinh bắt đầu làm quen với các sự vật cụ thể trong đời sống hàng ngày như: nước, đồng, ánh sáng, trái tim… để khẳng định chất và lượng cùng tồn tại thống nhất trong một sự vật hiện tượng.
Không khí lớp học bắt đầu nóng dần lên khi các em bước vào hoạt động 3 thông qua sơ đồ cụ thể trên màn hình trình chiếu PowerPoint về sự đun sôi của nước để bốc thành hơi. Một thí nghiệm quen thuộc của môn hóa học lại được “se duyên” trong giờ học môn GDCD càng làm cho các em hứng thú để soi rọi chân lý: quan hệ giữa sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất. Thay vì giáo viên đưa ra hiện tượng và tự kết luận thì ở giờ học này, thông qua gợi ý của giáo viên, các em đã rút ra được những kết luận xác đáng về sự biến đổi của các sự vật hiện tượng mà bắt đầu là sự biến đổi về lượng.
Trải nghiệm bằng giờ học sinh động
Học sinh được giáo viên cho lên mạng tìm thông tin liên quan đến bài học |
Tuy không giao mọi quyền quyết định cho học sinh nhưng thông qua sự khơi gợi của giáo viên, các em học tập tích cực hơn, trao đổi hăng hái hơn để tự mình đón nhận kiến thức một cách chủ động chứ không phải bằng một sức ép bắt buộc nào đó. Chính nhờ những giờ học này đã triệt tiêu được hạn chế của học sinh như nói chuyện riêng, ngủ gật hoặc lơ đãng… Đây cũng là thời điểm 2 nhóm mang tên Độ và Nút được “đánh thức” khi giáo viên hướng dẫn các em tìm ra định nghĩa: Thế nào là độ, điểm nút? Nếu độ là giới hạn mà trong đó sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất thì điểm nút là điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của sự vật hiện trượng. Mặc dù tiết học đã kết thúc nhưng các em vẫn còn hào hứng vì giáo viên lại “mở ra cánh cửa mới” khi hứa hẹn tiết sau sẽ nghiên cứu sâu về mối quan hệ của 4 nội dung này để từ đó rút ra bài học bổ ích là “chúng ta làm thế nào để học giỏi”.
Trong phần củng cố bài, tính tích cực của mỗi học sinh cũng được phát huy khi được giáo viên cho làm một bài test dạng trắc nghiệm đúng – sai để đánh giá hiệu quả giờ học. Và tính ứng dụng còn được thể hiện qua câu hỏi về một cơn bão được lớn lên từ gió mạnh sau một cơn áp thấp nhiệt đới. Ở phần củng cố cuối cùng, các câu hỏi về chất, lượng trong ba đoạn thơ của bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu), Thêm một (Trần Hòa Bình) và một bài ca dao mà giáo viên đưa ra đã đẩy bài học lên cao hơn về tính ứng dụng và liên hệ thực tế như một phần ghi nhớ được đóng khung ở cuối bài học.
Cuối cùng, đọng lại trong các em là thái độ sống đúng đắn, dễ bị hỏng việc nếu không khắc phục tính nôn nóng, đốp chát giai đoạn. Tích cực tích lũy về lượng trong học tập và rèn luyện để nhanh chóng tạo ra những bước nhảy của bản thân, tránh lối sống trung bình chủ nghĩa. Bài học về đức tính nhẫn nại, kiên trì một lần nữa lại được thắp sáng trong giờ GDCD.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)