Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Bại liệt vẫn quyết thành kỹ sư

Tạp Chí Giáo Dục

Bị liệt nửa người hơn 15 năm nay, Nguyễn Lê Hoàng Trung vẫn thi đậu vào ngành Công nghệ Thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM với điểm số cao.
Nguyễn Lê Hoàng Trung vẫn đang phải điều trị . Ảnh: Quang Phương
 Ngày nhập học đang cận kề, thế nhưng chàng tân sinh viên nghèo, khuyết tật Nguyễn Lê Hoàng Trung của trường ĐHKHTN thuộc ĐHQG TPHCM vẫn đang nằm điều trị bệnh tại Trung tâm y tế Việt – Xô Petro (Vũng Tàu).
Sinh năm 1992, ở tổ 4, ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, khi lên 3 tuổi, Trung đã phải gánh những nỗi đau từ bi kịch đau đớn của gia đình. Từ một cậu bé bụ bẫm dễ thương, cha em đã khiến Trung liệt nửa người, mồi côi mẹ. Ngay sau đó, cha Trung phải vào vòng lao lý.
Phía bên nội cũng bỏ mặc Trung. Thương cháu, ông ngoại Trung (năm nay 70 tuổi) đã đón cháu về chăm sóc. Cũng từ đó ông phải lo mọi việc từ tắm rửa, vệ sinh, bồng bế, ăn uống… hằng ngày cho Trung.
Tuổi thơ của Trung gắn liền với những cuộc phẫu thuật triền miên, từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho tới những chương trình phẫu thuật từ thiện… Thế nhưng Trung vẫn không khỏi, hằng ngày Trung phải di chuyển bằng cách lết mông, dùng hai tay và nhờ đến xe lăn.
Đến tuổi đi học, dù mưa nắng, ông Khôi vẫn đều đặn đưa Trung đến lớp. Khi Trung còn bé thì ông cõng cháu lên lưng, bế vào lớp rồi lại về. Đến khi học cấp 3, vì trường cách xa nhà đến 15 cây số nên hai ông cháu phải đi ở trọ.
Thương ông ngoại bao năm vất vả, Trung luôn cố gắng trong học tập. Suốt 12 năm liền, em đều là học sinh xuất sắc. Chuyện học của Trung nhiều lúc tưởng phải đứt gánh giữa đường bởi vết thương vẫn ngày đêm hành hạ thân thể nhỏ bé của Trung.
“Vào năm lớp 10, em được chọn vào đội tuyển lý của trường. Nhưng do ngồi cả ngày học và làm bài nâng cao nên vết thương cũ nơi cột sống ngày càng trở nên đau nhức. Em đành xin rút khỏi đội tuyển và phải nghỉ học một tháng rưỡi. Đỡ cơn đau, em lại đến trường” – Trung nhớ lại.
Phải là kỹ sư tin học
Một thầy giáo từng dạy Trung ở trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) kể lại: “Trong các giờ học, em rất hăng say phát biểu. Nhiều khi Trung bỗng nhiên ngã nhào xuống nền”.
Vượt lên những khó khăn Trung đã đạt nhiều giải thưởng cấp huyện, tỉnh từ thời THCS, thủ khoa đầu vào lớp chuyên lý của trường chuyên Quang Trung. Tháng 4 vừa qua, Trung được tuyên dương gương điển hình khuyết tật học tập lao động xuất sắc toàn quốc tại Hà Nội do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Ngày đưa Trung đi thi ĐH, hai ông cháu không có tiền thuê nhà trọ nên phải ở nhờ tại nhà của một bác sĩ tên Tiên. Cũng từ đây, Trung được mọi người giúp đỡ để đến bệnh viện chữa trị.
BS Bùi Văn Hiệp, Trung tâm Y tế Việt – Xô Petro cho biết: BS Tiên phát hiện Trung bị loét do ngồi học nhiều và đã đề nghị Trung tới chữa ở BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, sau khi đến bệnh viện Chợ Rẫy, do quá khó khăn nên hai ông cháu lại khăn gói về Bình Phước. Biết chuyện, BS Hiệp đã xin Trung tâm Y tế Việt – Xô Petro chữa bệnh miễn phí cho Trung.
“Trung bị loét cả năm rồi nên phải chữa trị hàng tháng trời. Điều trị bảo tồn không thể ghép da vì ghép khó thành công bởi vùng ghép là vùng chết”, BS Hiệp cho hay.
Ngày biết tin mình đậu ĐH, Trung mừng khôn xiết. Nhưng chưa nhìn thấy giấy báo trúng tuyển, Trung lại cùng ông lên đường xuống Vũng Tàu để chữa trị. “Bạn bè em nói đã có giấy báo nhập học rồi, em mừng lắm. Nhất định em sẽ về nhập học”- Trung tâm sự khi chúng tôi đến thăm ở Trung tâm Y tế Việt – Xô.
“Em tin là mình sẽ trở thành một kỹ sư tin học. Nhiều người bị liệt tứ chi nhưng họ vẫn làm việc và cống hiến rất tốt trong lĩnh vực tin học” – Trung quả quyết.
Quang Phương – Thu Hương / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)