Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bài tập 6 giây

Tạp Chí Giáo Dục

Những chu kỳ vận động kéo dài 6 giây có thể thay đổi hoàn toàn tình trạng sức khỏe của người lớn tuổi, theo kết quả nghiên cứu mới của các chuyên gia Scotland.

Thay vì chạy bộ nhẹ nhàng trong vòng nửa giờ hoặc đạp xe vài cây số, các chuyên gia của Đại học Abertay đã chứng minh được rằng phương pháp tập luyện cường độ cao (HIT) có thể giúp giảm tình trạng cao huyết áp ở người lớn tuổi và sẽ cải thiện sức khỏe toàn diện nếu kiên trì áp dụng trong thời gian dài. HIT thu hút sự chú ý đặc biệt của giới chuyên gia y học do hứa hẹn mang lại lợi ích thiết thực như những cách tập luyện thể chất truyền thống, nhưng lại có thể đạt được trong thời gian ngắn hơn nhiều. Và các nhà khoa học Scotland vừa hoàn tất những cuộc thử nghiệm đầu tiên về hiệu quả của HIT ở người cao tuổi, theo báo cáo trên chuyên san American Geriatrics Society.

Ảnh: Shutterstock

Trong cuộc nghiên cứu mới, một nhóm những người đã về hưu được yêu cầu đến phòng thí nghiệm 2 lần mỗi tuần, kéo dài suốt 6 tuần liên tiếp và thực hiện các bài tập 6 giây. Sau khi dồn hết sức đạp xe trong 6 giây rồi ngừng lại, những người tham gia hồi phục nhịp tim và lại tiếp tục nhấn pedal trong 6 giây kế tiếp. Khi chấm dứt chương trình thử nghiệm, họ có thể đạp nhanh liên tục trong vòng 1 phút. Kết quả nghiên cứu cho thấy huyết áp ở những người tham gia giảm trung bình 9%, trong khi quy trình dẫn khí ô xy đến cơ bắp được tăng cường, từ đó hoạt động hằng ngày của họ được cải thiện, chẳng hạn như đi đứng dễ dàng hơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ John Babraj cho hay thói quen ngồi ỳ một chỗ có thể sinh nhiều bệnh tật, bao gồm bệnh tim mạch và tiểu đường, và vấn đề này ảnh hưởng đến mọi độ tuổi. Việc duy trì hoạt động cơ thể giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh tật, từ đó giảm sức ép về kinh tế lẫn xã hội. Người cao tuổi rất khó duy trì hoạt động thể chất với cường độ như giới thanh niên, nhưng họ có thể áp dụng phương pháp HIT một cách dễ dàng hơn, theo tiến sĩ Babraj. Các chuyên gia Scotland cũng bác bỏ quan ngại cho rằng hoạt động thể chất nhanh một cách đột ngột có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, dẫn đến nguy cơ lên cơn đau tim và đột quỵ. Tiến sĩ Babraj cảnh báo nếu duy trì hoạt động trong thời gian dài, chẳng hạn như chạy suốt 30 phút, tim cũng chịu sức ép tích tụ. Thông điệp ở đây là không bao giờ quá muộn để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để chọn hoạt động thích hợp nhất cho bản thân.

Tụ Yên (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)