Cái băng rôn tuyên truyền “Tuần lễ học tập suốt đời” còn treo trước cổng trường mà tôi lại đi giận một học sinh lớp 5 trong khi em ấy đang làm bài…
Sáng hôm ấy chào cờ, tôi (hiệu trưởng) đảo một vòng sân trường để trò chuyện với học sinh sau 2 ngày nghỉ. Tôi dừng lại ở một nhóm học sinh lớp 5, tôi cố ngắm mức độ siêng năng của em A. khi em đang nắn nót viết từng chữ, từng chữ vào tập… Khi thấy tôi, em giật mình và gấp 2 quyển tập lại bỏ vào cặp. Tôi thấy có chuyện gì đó không ổn nên mượn lại 2 quyển tập của em. Và tôi đã giận khi phát hiện em không chịu làm bài tập về nhà mà chép bài giải từ tập của bạn lớp trưởng. Tôi trả 2 quyển tập lại cho “đúng chủ” nhưng không một lời giải thích vì tôi nghĩ hai em sẽ hiểu phải làm gì. Tôi dự kiến tình huống cả hai em sẽ tìm tôi xin lỗi, lúc đó có thể các em sẽ kèm theo lí do. Tuy nhiên, 10 phút trôi qua, tôi thấy không động tĩnh gì nên thông tin cho giáo viên chủ nhiệm và đưa ra 3 giả thiết với 3 lí do: Thứ nhất: Có thể 2 ngày thứ bảy, chủ nhật nhà em ấy có chuyện. Thứ hai: Em ấy không biết làm và sợ cô chủ nhiệm nên đành phải mượn tập bạn chép bài giải. Thứ ba: Em ấy lười…
Tôi không dám khẳng định lí do nào vì chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới hiểu học sinh trong lớp hơn.
Sau khi nghe tôi kể, cô giáo chủ nhiệm khẳng định luôn: Hai ngày không làm bài đích thị là lười rồi.
Qua câu chuyện trên, tôi tự nghiệm ra một vài ý: Thứ nhất: Tôi không nên vì giận mà không một lời giải thích với học sinh, ngược lại phải gợi ý để các em nói ra lí do không làm bài về nhà và nhận được lời hứa từ các em. Thứ hai: Việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục học sinh là tốt song tùy tình huống, ví dụ tình huống này là phải giải quyết và có thể thông tin lại giáo viên. Thứ ba: Trong suy nghĩ của tôi cũng có một hướng mở là tin tưởng ở cả hai em (hai em thừa biết lỗi của mình và sẽ không tái phạm nữa). Thứ tư: Tôi từng thấy và từng biết (dù rất ít) có giáo viên cũng lơ cho học sinh chép bài từ bài học thêm vào vở ở lớp. Thứ năm: Nên tìm hiểu lí do để tránh trách oan các em. Ví dụ như đêm qua nhà bị ngập nước, cha hay mẹ nằm bệnh viện, nhà cúp điện, không biết làm bài… (ngoại trừ trường hợp trên cô giáo khẳng định có thể đúng vì đã qua 2 ngày thứ bảy và chủ nhật). Thứ sáu: Giúp các em hiểu hơn thế nào là “Học tập suốt đời”…
Lệ Quyên
(Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)