Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bài thi khoa học tự nhiên: Có hơi hướng của đề thi đánh giá năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Với bài thi khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa được học sinh hoàn thành sáng 28-6, các giáo viên đánh giá đề phù hợp với kỳ thi cuối Chương trình 2006, và mang hơi hướng của đề thi đánh giá năng lực.


Bài thi khoa học tự nhiên được đánh giá nhẹ nhàng, mang hơi hướng của đề thi đánh giá năng lực

Môn vật lý: Nhiều câu hỏi vận dụng thực tiễn

Theo thầy Lê Thành Trung – tổ trưởng tổ vật lý, Trường THPT Hùng Vương (quận 5), đề thi vẫn giữ ổn định cấu trúc như những năm trước với 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đặc biệt, năm nay đề đã có sự tiệm cận nhẹ với chương trình GDPT 2018 khi đưa thêm vào nhiều câu hỏi vận dụng thực tiễn.

24 câu đầu trong đề khá nhẹ nhàng. Từ câu 25-32, học sinh khá có thể làm tốt. Từ câu 32-36 là câu vận dụng, học sinh khá, giỏi có khả năng làm được. Riêng 4 câu cuối là vận dụng cao dành cho học sinh xuất sắc.

“Đề vừa sức, nhẹ nhàng với đa số học sinh, nhiều câu hỏi vận dụng thực tiễn, mức độ phân hóa tốt. Học sinh khá giỏi sẽ đạt mức 8,5 trở lên. Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước, dễ đột biến nhiều điểm cao” – thầy Trung đánh giá.

Thầy Bùi Mạnh Tân – tổ trưởng tổ vật lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân nhìn nhận, về cấu trúc, đề thi năm nay vẫn theo tinh thần, cấu trúc và mức độ phân hóa như đề thi năm 2023. Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu là kiến thức lớp 12 THPT. Năm nay lớp 11 chỉ lấy 2 câu lý thuyết và không có bài tập.

Về nội dung và mức độ, từ câu 1 – câu 32, mức độ dễ, học sinh khá dễ dàng hoàn thành; Từ câu 33- câu 35, độ khó được nâng lên, học sinh khá, giỏi có thể giải quyết; Từ câu 36- câu 40, là 5 câu vận dụng cao, được phân bố 5 nội dung: con lắc lò xo, giao thoa sóng cơ, giao thoa sóng ánh sáng, điện xoay chiều và hạt nhân. “Dự đoán phổ điểm môn vật lý năm nay sẽ tập trung nhiều nhất vào khoảng từ 7,5 đến 9 điểm” – thầy Bùi Mạnh Tân nói.

Môn hóa học: “Dễ thở”

Thầy Phạm Lê Thanh- giáo viên hoá học, Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) đánh giá, đề thi hóa học dễ thở, giữ cấu trúc và mức độ phân hóa tương đối ổn định và không nhiều biến động so với đề thi năm 2023.

Trong 21 câu đầu tiên, tất cả lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ yếu chương trình lớp 12. Từ câu thứ 22 trở đi là các bài tập cơ bản phân hoá dần từ thấp đến cao. Độ phân hóa cao nhất nằm ở 7-8 câu cuối, gồm các câu lý thuyết tổng hợp và bài toán hóa học.

Với đề thi này học sinh trung bình, khá dễ đạt được 6,0 -7,5 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt từ 8,0 đến 8,75 điểm và học sinh xuất sắc, nắm chắc chắn kiến thức cả 3 năm mới đạt trên 9,0 điểm.

Thầy Thanh nhận định: Nhìn chung mức độ phân hóa của đề khá tốt, đảm bảo mục tiêu kì thi 2 trong 1, có thể đánh giá được học sinh giỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học tuyển sinh, vừa có thể giúp các em chọn tổ hợp bài thi KHTN để thi tốt nghiệp. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là năm cuối cùng của Chương trình 2006 nên các câu hỏi tương đối giữ ổn định nội dung chương trình.

“Hy vọng sang năm sau đề thi hóa học thực hiện Chương trìnhGDPT 2018 sẽ tiếp cận nhiều vấn đề thực tiễn mới, tăng tính ứng dụng và gẫn gũi cuộc sống theo hướng đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh”- thầy Phạm Lê Thanh bày tỏ.

Môn sinh học: Đề thi có “hơi hướng” của đề thi đánh giá năng lực

Theo cô Đào Thúy Nga – tổ trưởng tổ sinh học, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng số câu hỏi lý thuyết và giảm số câu hỏi bài tập.

30 câu trong đề thi thuộc phần nhận biết, thông hiểu. Sự phân hóa  của đề thể hiện ở 10 câu cuối – phần này, mỗi câu đều hỏi dưới dạng câu đếm, khá dài và phức tạp.

Các câu hỏi được nêu dưới dạng đồ thị, hình ảnh, ứng dụng thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải vận dụng tốt các kỹ năng đọc hiểu, phải có năng lực phân tích, suy luận, hiểu rõ quá trình sinh học mới xử lý tốt được.

“Nhìn chung, đề thi năm nay có cấu trúc tương tự đề thi tham khảo năm 2024 Bộ GD-ĐT ban hành trước đó. Đề có sự phân hoá tốt, phù hợp với yêu cầu của một kỳ thi cuối cùng Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, đề thi năm nay đã có sự tăng cường nội dung về ứng dụng thực tiễn theo hướng đề thi đánh giá năng lực” – cô Thúy Nga đánh giá chung.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)