Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bài thi tốt nghiệp THPT được chấm ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ ngày 30.6, việc chấm bài thi tốt nghiệp THPT trên cả nước được bắt đầu. Vậy bài thi tự luận và trắc nghiệm của thí sinh được chấm ra sao?

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết từ 30.6 các địa phương bắt đầu triển khai những công việc liên quan đến chấm thi. Sau đáp án môn tự luận đã được công bố ngày 1.7, đáp án các môn trắc nghiệm sẽ được giải mã và công bố theo tiến độ chấm.

Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho TS và tuyển sinh ĐH. Các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra công tác chấm thi ở các hội đồng thi suốt thời gian chấm thi. "Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT", ông Chương khẳng định.

Bài thi tốt nghiệp THPT được chấm ra sao? - Ảnh 1.

Thí sinh đã hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tuần qua và đang chờ đợi kết quả thi dự kiến công bố vào 18.7. NGỌC DƯƠNG

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, số lượng, vị trí camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận phải bảo đảm bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng; hệ thống camera không được kết nối internet và chỉ được kết nối bằng hình thức hữu tuyến (có dây) tới màn hình hiển thị (nếu có); phải có bộ lưu điện dự phòng, bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới; dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày.

Hằng ngày, trưởng ban chấm thi phối hợp với lực lượng công an kiểm tra tình trạng hoạt động của camera. Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ dữ liệu (ổ cứng/thẻ nhớ) của camera được niêm phong dưới sự chứng kiến của trưởng ban chấm thi tự luận/trắc nghiệm, công an và được giám đốc sở GD-ĐT chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ.

Liệu có chấm lỏng, chấm chặt bài ngữ văn ?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án và thang điểm môn ngữ văn trong kỳ thi năm nay, một số ý kiến cũng nhận định đáp án khá mở, không bó cứng nhằm ghi nhận những sáng tạo và cảm nhận riêng của mỗi TS. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra lo ngại về tình trạng "chấm chặt, chấm lỏng" hoặc cho điểm theo "gu" của người chấm.

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết đã có hướng dẫn rất kỹ về quy trình chấm môn ngữ văn. Theo đó, mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm độc lập, với một số điểm cần đặc biệt lưu ý như: không thực hiện việc chấm xong vòng 1 toàn bộ các bài thi rồi mới tổ chức chấm vòng 2; cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm xong chỉ ghi điểm chấm trên phiếu chấm cá nhân; cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng và tổng từng câu bên lề của tờ giấy thi; đồng thời ghi điểm tổng từng câu vào phiếu chấm dành cho cán bộ chấm thi lần thứ hai.

Ngoài 2 vòng trên, bài thi tự luận còn bắt buộc phải chấm kiểm tra với bộ phận độc lập với những người tham gia chấm thi ở 2 vòng. Việc chọn bài chấm kiểm tra được yêu cầu chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm. Người chấm kiểm tra chỉ ghi điểm vào phiếu chấm cá nhân, không ghi điểm vào bài thi của TS.

Bài thi tốt nghiệp THPT được chấm ra sao? - Ảnh 2.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18.7. NGỌC DƯƠNG

Xử lý những sai sót trong bài thi trắc nghiệm

Bài thi trắc nghiệm được chấm hoàn toàn bằng phần mềm chấm thi nên Bộ GD-ĐT cũng quy định phải sửa lỗi trong bài thi của TS để đảm bảo không thiệt thòi cho các em bởi những lý do khách quan.

Cụ thể, hướng dẫn chấm thi với bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT ban hành cho kỳ thi năm nay nêu: "Căn cứ vào phiếu thu bài thi để xử lý sửa lại những sai sót trong bài làm của TS do phần mềm cảnh báo hoặc do ban chấm thi trắc nghiệm phát hiện. Một số lỗi phổ biến cần xử lý như: số báo danh (SBD): không tô SBD, tô sai SBD, tô trùng SBD; không tô mã đề, tô sai mã đề, tô trùng mã đề; lỗi do quét bài dẫn đến phiếu trả lời trắc nghiệm bị biến dạng khiến phần mềm không nhận dạng được SBD và mã đề thi. Thông tin về dữ liệu môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp do hội đồng thi cung cấp không chính xác với việc tô phiếu trả lời trắc nghiệm của TS (do TS tô vào phần bài làm mình không đăng ký dự thi hoặc do hội đồng thi nhập sai thông tin đăng ký dự thi của TS trong dữ liệu chuyển đến ban chấm thi trắc nghiệm).

Bộ GD-ĐT cũng quy định về quy trình sửa lỗi phần bài làm của TS. Theo đó, phần mềm sẽ cảnh báo tất cả các câu không nhận diện được đáp án TS lựa chọn (do TS tô quá mờ, tô nhiều đáp án trong cùng một câu, bỏ trắng câu…). Cán bộ xử lý phải kiểm tra và xử lý từng lỗi (nếu có). 

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)