Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài thơ lục bát hay về tình mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Có rt nhiu tác phm đt gii trong các cuc thi, nhưng rt ít trong s đó đưc đc gi tìm đc li. Và rt hiếm tác phm đưc đc đi đc li nhiu ln, nếu nó không có duyên xut hin trong nhng n phm có tính đi chúng – như sách giáo khoa chng hn.


Nhà thơ Bình Nguyên tên tht là Nguyn Đăng Hào. Hin ông là Ch tch Hi Văn hc Ngh thut Ninh Bình

Năm 2003, trong cuộc thi thơ lục bát của Báo Văn nghệ, nhà thơ Bình Nguyên đạt giải A với chùm gồm 3 bài: “Người làng chài học chữ”, “À ơi tay mẹ”, “Với người quê”. Năm 2020, bài thơ “À ơi tay mẹ” được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 6, bộ Cánh diều.

Nhà thơ Bình Nguyên viết khá nhiều thơ lục bát, nhưng bài “À ơi tay mẹ” là nhuyễn nhất. Ông cũng viết nhiều về tình cảm gia đình, nhưng bài thơ về tình mẹ này là thành công hơn cả. Lục bát xưa nay vẫn thế, dễ làm mà khó hay, không phải cứ cố mà được. Nhờ cơ duyên huyền nhiệm giữa thi hứng với thi tứ, giữa cảm xúc ngẫm suy với chữ nghĩa giọng điệu, giữa tư tưởng sâu sắc với diễn đạt tự nhiên, giữa ý người với… ý trời, nhà thơ Bình Nguyên đã tìm chọn được một hình ảnh thân quen gần gũi rồi phát triển thành một biểu tượng nghệ thuật cao đẹp để thể hiện trọn vẹn tình cảm của người con với/về mẹ. Bài thơ là lời của chủ thể trữ tình khi nhớ và suy tư về người mẹ của mình. Mạch suy tư và nhớ trộn lẫn. Vừa nhớ vừa suy tư. Càng suy tư càng nhớ sâu và càng xúc động. Nhà thơ gây ấn tượng từ nhan đề: “À ơi tay mẹ”. Bằng trực giác, nhìn nhan đề và nhìn xuyên suốt bài thơ, thấy rõ hai tín hiệu song hành: Điệu ru “à ơi” giữ nhịp và hình ảnh “bàn tay mẹ” lặp đi lặp lại tạo mạch liên kết, phát triển chủ đề. Cũng cần biết ngay rằng trong miên man ký ức thơ ấu làng quê, nhà thơ cũng đã từng thao thiết về sự chảy trôi của thời gian, về bóng tre, bóng làng, bóng mẹ (Tôi về bến Cát phù sa/ Ngược xuôi con nước chảy qua mùa màng/ Bóng tre phủ kín ngõ làng/ Bao năm tay mẹ dần sàng khổ đau – Một thoáng trở về) nhưng chưa bao giờ nỗi thao thiết ấy lại được thể hiện một cách sâu sắc và cảm động như ở biểu tượng “À ơi tay mẹ”. Bàn tay mẹ trong điệu ru, gắn với lời ru, gắn với điệu ru được diễn đạt bằng sự hòa phối ngôn từ “À ơi tay mẹ” mới trở thành biểu tượng nghệ thuật, biểu tượng cho sự nhiệm mầu, kỳ diệu của tình yêu thương, đức hy sinh thầm lặng. Bài thơ được khởi tứ từ suy tư về biểu tượng “bàn tay mẹ”: Bàn tay của che chắn và bảo vệ (chắn mưa sa, chặn bão qua mùa màng). Mẹ hiện lên như là điểm tựa vững chắc, khỏe khoắn, kiên cường, cứng cỏi, mạnh mẽ; lời thơ gợi hình dung về sự phi thường của mẹ. Nhưng biểu tượng về sức mạnh không đưa chủ thể trữ tình đến với những liên tưởng quá xa. Mẹ không chỉ có kiên cường bất khuất trước gian khó, mẹ thân thương đời/ngày thường với bao điều giản dị mà rất diệu kỳ, diệu kỳ nhất là mẹ với điệu hát ru. “Vẫn là tay mẹ” nhưng biết bao nỗi nhớ, bao sắc thái, bao cung bậc cảm xúc, gắn với bao thăng trầm của gia đình, của đời con – đời mẹ… Tứ thơ đột ngột bật lên từ “nhánh” liên tưởng này trong tư duy nghệ thuật, từ phần nổi của biểu tượng, tác giả chuyển mạch sang phía chìm sâu, chìm sâu.

Ở cung bậc dịu dàng đưa nôi, mẹ nâng niu con trong bầu khí quyển tình mẹ mát lành, an bình. Con của mẹ như “cái trăng vàng”, bằng làn điệu hát ru mẹ gửi gắm ước mong cho con như “cái trăng tròn” khi “cái trăng còn nằm nôi”. Trong cung bậc ấm áp, nồng hậu, con của mẹ như “Mặt trời bé con”. Mẹ “thức một đời” giữa cuộc đời mênh mông vô thường để neo gửi cho con bao hy vọng về ngày mai, về mai sau. Lời ru, bởi vậy, không chỉ thiết tha một đời mẹ mà còn tha thiết suốt đời con (Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con – Chế Lan Viên). Lời mẹ ru, điệu hát ru tình mẹ chở phù sa tốt lành bồi đắp cho tâm hồn con được phì nhiêu. “Ru cho mềm ngọn gió thu” để không còn se sắt, buốt xót; “Ru cho tan đám sương mù lá cây” để con ngủ giấc tròn xuyên đêm, để giấc ngủ an yên trong lành, nồng ấm; ru để gieo cho con niềm khao khát hoàn thiện bản thân, để “cho cái khuyết tròn đầy”; ru và gieo hạt nhân của “cái thương cái nhớ”, của tình yêu cuộc sống con người cho con để những cách ngăn trong cõi sống vô thường không ngăn cách con được. Biết bao điều tốt đẹp, cao đẹp, “nhiệm mầu” được “bàn tay mẹ” trao truyền! Nhưng, tất cả những điều kỳ diệu ấy, đều được “Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi”! Mẹ là mẹ của ngày thường, đời thường, mẹ chẳng phải là bà tiên lung linh trong cổ tích. Chính bàn tay lam lũ, dãi dầu mưa nắng của mẹ đã phác những nét đầu tiên, chắp cánh cho những tâm hồn bé thơ hướng đến những điều cao đẹp của thế giới diệu kỳ. Suy tư về mẹ và lời ru, chủ thể trữ tình còn thấy được đức hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến hướng về cội nguồn lời ru (về bà ngoại) khi ước mong “ngoại ngồi vá khâu” trong căn nhà mưa không chỗ dột (ước mong này mãi không thành hiện thực bởi ngoại đã là người ngày xưa!), hướng về cuộc đời lắm nỗi gieo neo mong “sóng lặng bãi bồi”, mong “đời nín cái đau” để chỉ còn những điều khỏe khoắn, tươi đẹp… Cũng từ đây, người con nhận ra một điều: Mẹ ru cho con, ru cho lòng hiếu thuận, ru cho cuộc đời tươi đẹp và điệu “à ơi” sẽ thành trường cửu bởi mong ước an yên là mong ước muôn đời… Thế nhưng “Mẹ chẳng một câu ru mình”. Ở mẹ, ta thấy cội nguồn của những điều tốt đẹp trong cuộc đời là tình yêu thương. Mẹ thương người, thương đời đến quên mình. Thật xót, thật thương, thật nhói đau!

À ơi tay mẹ

Bàn tay mẹ chắn mưa sa

Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

À ơi này cái trăng tròn

À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

Bàn tay mẹ thức một đời

À ơi này cái mặt trời bé con…

Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru

Ru cho mềm ngọn gió thu

Ru cho tan đám sương mù lá cây

Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau

Bàn tay mang phép nhiệm mầu

Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi

Ru cho sóng lặng bãi bồi

Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu

Ru cho đời nín cái đau

À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình.

Với cách kết lại bài thơ thật lắng như vậy, “À ơi tay mẹ” của nhà thơ Bình Nguyên có được chiều sâu đáng có để có thể tỏa ra sức đồng cảm và neo lại với lòng người. Bài thơ như lời ru với âm hưởng tự nhiên của lục bát ngàn đời. Đó là lời ru tay mẹ, lời ru tình mẹ, lời ru nhớ mẹ “Bao năm tay mẹ dần sàng khổ đau”, ru những suy tư thao thiết… Vậy là bài thơ không ngừng được nâng cấp các tầng nghĩa: từ nhớ nhịp ru tay mẹ đến nhớ lời mẹ ru, từ nhớ lời mẹ ru đến mong cất lên lời ru mẹ để vỗ về, khi biết cất lên lời ru mẹ thì nhà thơ Bình Nguyên cũng đang tự ru mình. Bài thơ tạc lại, tô đậm thêm hình ảnh người mẹ muôn đời của muôn người. Vất vả gian lao có thể chẳng ai giống ai, chẳng thời nào giống thời nào hoàn toàn, nhưng tình yêu và đức hy sinh, những vẻ đẹp vừa khỏe khoắn kiên cường vừa dịu dàng tha thiết, cái ước mong của mẹ gửi gắm vào những đứa con của mình thì muôn đời không đổi. Và còn nữa, biểu tượng “À ơi tay mẹ” ngoài ý nghĩa biểu tượng của tình mẹ cụ thể còn là biểu tượng của tình mẹ trong cõi đời: “Ru cho đời nín cái đau”. Cuộc đời rộng lớn hỗn mang, lắm đau thương oán thán, lắm nước mắt cũng cần được nhận hưởng tình yêu, sự vỗ về, lòng nhân từ, lòng bao dung vô hạn như tình mẹ. Cho nên, thật mừng vì những bài thơ như “À ơi tay mẹ” được đưa vào sách giáo khoa!

Nguyn Thanh Truyn (Hà Tĩnh)

 

 

 

Bình luận (0)