Ngoài một số bệnh gia tăng như viêm đường hô hấp, sởi, tăng huyết áp…, thì thời tiết lạnh kéo dài cũng là yếu tố gây dị ứng khiến nhiều người rất khó chịu.
Lá mướp có thể dùng làm thuốc chữa dị ứng thông thường – Ảnh: K.Vy
Dị ứng có rất nhiều nguyên nhân như do thuốc trị bệnh; do thực phẩm, hóa chất, khói bụi, và cả thời tiết. Biểu hiện nhẹ thường là da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu; nhưng cũng có những trường hợp nặng gây suy hô hấp, nguy kịch (với những trường hợp này cần đến cơ sở y tế ngay).
Dưới đây là một số cách về ăn uống, dùng cây cỏ trong những trường hợp dị ứng thông thường không nguy kịch, theo hướng dẫn của lương y Như Tá và Quốc Trung:
– Dùng vỏ của trái bí đao chừng 20 gr, hoa cúc vàng 15 gr, thược dược đỏ 12 gr, một ít mật ong vừa đủ. Đem vỏ bí đao, hoa cúc vàng, thược dược đỏ cho vào trong nồi nấu nước, rồi pha vào mật ong để uống trong ngày. Mỗi ngày 1 lần, 7 ngày là một liệu trình. Phương thuốc này có tác dụng trừ gió thanh nhiệt.
– Dùng giấm gạo 100 ml, thân cây đu đủ 60 gr, gừng sống 9 gr. Cho cả 3 loại trên vào nồi đất đem nấu chung, sau khi giấm cạn, lấy đu đủ, gừng ra dùng. Mỗi ngày dùng một lượng như vậy vào buổi sáng và buổi tối, dùng 7 ngày cho một liệu trình.
– Lấy 12 hoa nhãn, bạc hà 30 gr đem nấu nước uống trong ngày (chia làm 2 lần dùng). Dùng liền trong 3 ngày như vậy.
– Lá khổ qua, lá mướp, nước mật của cá trắm đen, cây cải dầu (vừa đủ). Lá khổ qua và lá mướp phơi khô, cắt nhỏ và nghiền thành bột, trước tiên trộn cùng với mật cá trắm đen, rồi trộn đều với cây cải dầu đắp lên chỗ da bị dị ứng.
– Dùng lá trà (lá chè), vỏ cam, cam thảo đem nấu lấy nước để rửa chỗ da bị dị ứng.
– Vỏ táo chua, vỏ quả nhãn, lượng bằng nhau đem nấu lấy nước rửa chỗ da bị dị ứng.
– 150 gr lá hẹ, 50 gr hành lá, cùng 30 ml rượu trắng đem nấu lấy nước uống, chia làm 2 lần dùng trong ngày.
– Lấy thân cây đu đủ 30 gr đem nấu nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.
– Hoa quế 10 gr, cho vào một ít nước để nấu lấy nước dùng, chia làm 2 lần dùng trong ngày.
Khánh Vy (TNO)
Bình luận (0)