Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bài thuốc hạnh phúc gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

1. Nên nhận thức sâu sắc lời vàng của các danh nhân: Tất cả mọi kho báu trên trái đất này cũng không thể sánh được với hạnh phúc gia đình. Người chồng có nét đẹp văn hóa là một người biết quan tâm đến vợ về mọi mặt. Không nên cậy mình làm ra được tiền, mà coi thường vợ. Vì của chồng công vợ. Người vợ có nét đẹp văn hóa là người biết nấu nướng thật ngon cho chồng những món mà chồng thích. Thỉnh thoảng nên khen đúng lúc, đúng chỗ những ưu điểm của chồng. Nếu lấy chồng lần thứ hai, không được khen người chồng trước. Nên cố gắng quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của chồng, bố mẹ, anh chị em và mọi người thân trong họ hàng nhà chồng.

2. Đừng vô cớ tìm kiếm những chứng cớ để cố giải thích những mối quan hệ trong quá khứ theo cách nhìn hiện tại, vì ai cũng muốn sự việc có lợi cho mình. Hãy cân nhắc từng câu nói. Đừng có công kích nhân cách của nhau theo lối nói: đồ bần tiện, đồ bủn xỉn, đồ nọ, đồ kia…

3. Hãy quên mọi oán thù đi. Hãy khoan dung, tha thứ. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự tha thứ. Việc nhỏ không nên xé ra to.

4. Trong lúc mâu thuẫn, không nên đề cập đến những điều hệ trọng nhất như nhân cách, uy tín, nghề nghiệp, bố mẹ, tri thức, trình độ văn hóa của nhau. Đừng lạm dụng triệu chứng về giới tính. Một khi đã thấy có thể gây ra đổ vỡ, thì hãy chấm dứt ngay cuộc cãi lộn. Hãy nhớ rằng không có kẻ thắng người bại trong một cuộc cãi vã. Hãy biết tự kiềm chế và quyết định cẩn thận thời điểm khi hai bên lao vào cuộc tranh cãi. Nên cố gắng chú ý nghe cho hết ý kiến, không nên vội vàng ngắt lời của nhau. Nên biết tôn trọng nhân cách của nhau.

5. Luôn giữ gìn ấn tượng tốt đẹp về người bạn đời thuở mới yêu nhau. Hãy tự hào về phẩm chất tốt đẹp của bạn đời. Hai bên nên ủng hộ lẫn nhau.

6. Không nên đòi hỏi ở người bạn đời mình quá cao, mà nên đòi hỏi có mức độ và không nên tự ti. Đừng nên quan trọng hóa những điều được nói ra lúc nóng giận hoặc thiếu bình tĩnh. Khi xung đột hãy dừng lại ở một chủ đề nhất định, chớ nói hết tất cả mọi chuyện. Khi cãi vã nhau mà đem mọi chuyện cũ ra thì thật là tai hại.

7. Tìm cách giải quyết mâu thuẫn, không nên chịu đựng, phát khùng hoặc im lặng. Vì nó không giải quyết được vấn đề gì, mà còn làm tăng thêm sự bực bội đối với nhau. Không chỉ nghĩ đến mình, tùy lúc biết nhượng bộ. Hãy học cách xử lý nguy cơ gia đình. Vì chỉ ở gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân, để chống lại những tai ương của số mệnh. Vì dù là vua hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự yên ổn dưới mái gia đình, là kẻ sung sướng nhất. Bí quyết để có hạnh phúc gia đình là vợ chồng phải quyến rũ nhau suốt đời.

8. Đừng chỉ trích, trách móc lẫn nhau vì nó là cách đánh giá thấp người thân, chạm vào lòng tự trọng của con người. Nhiều gia đình tan vỡ thường bắt đầu từ sự chỉ trích, trách móc.

9. Cần biết nhân nhượng, kiềm chế, có ý chí để tránh xảy ra xung đột gia đình. Cần kiên trì dàn hòa đúng lúc, đúng chỗ, nhạy cảm nhất. Không ai được nói cho “hả giận” vì đây là điều rất nguy hiểm, đã lỡ nói lời thì không rút lại được. Vì gia đình được tạo dựng bằng lao động không mệt mỏi của tình yêu. Vì dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình. Vì sự hưng thịnh của xã hội là dựa trên sự hưng thịnh của từng gia đình.

10. Phải đặc biệt quan tâm nuôi và dạy con trở thành con ngoan trò giỏi, tiến tới là nhân tài của đất nước, làm cho hạnh phúc gia đình ngày càng bền vững và phát triển.

Nguyễn Cảnh

Bình luận (0)