Gừng là một gia vị phổ biến và là một vị thuốc cổ điển trong y học. Dân gian thường dùng gừng tươi chữa bệnh cổ truyền hay gặp trong mùa lạnh.
Rượu gừng được chế theo cách sau: Gừng tươi (hoặc gừng khô) nguyên vỏ, rửa sạch, để ráo nước, giã nát, ngâm vào rượu 35-40 độ (tỷ lệ 1 phần dược liệu, 5 phần rượu) trong bình kín. Sau khoảng 10 ngày (càng lâu càng tốt) thì dùng được, thỉnh thoảng nên lắc đều.
Rượu gừng được dùng trong những trường hợp sau:
– Cảm cúm, nhức đầu, toàn thân đau mỏi: Rượu gừng 30 ml, hâm nóng, đổ vào bát. Tóc rối 1 búi bọc vào vải xô. Lấy tóc tẩm rượu gừng, đánh khắp người và day những chỗ đau.
– Nôn mửa, buồn nôn: Ngậm rượu gừng ít một rồi nuốt dần. Làm nhiều lần cho đến khi hết nôn.
– Đau bụng, kém ăn, đầy bụng, ho mất tiếng, đi lỏng: Uống mỗi lần 10-20 ml rượu gừng, ngày 2-3 lần.
Gừng tươi dùng cho các trường hợp sau:
– Cảm cúm lây nhiễm, đầu đau phát sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, buồn nôn: Gừng tươi 15g, tỏi 6 nhánh, đường một ít. Cho cả 3 thứ này vào sắc nước uống, tranh thủ uống lúc nóng, uống xong lên gường nằm đắp chăn kín. Mỗi ngày uống 1 thang như trên. Tác dụng giải cảm.
– Bệnh cảm do gió lạnh: Gừng 100g, tỏi 400g, mật ong 10ml, chanh 3 – 4 quả, rượu 800ml. Tỏi bóc vỏ đập dập, chanh và gừng bỏ vỏ xắt miếng cùng đun trong 5ml mật ong. Sau đó đổ rượu vào dung dịch trên ngâm trong vò. Ba tháng sau, lọc lấy nước để uống.
– Nôn mửa do bị cảm lạnh nôn ra nước hoặc một lượng thức ăn nhỏ, sắc mặt tái nhợt, mệt mỏi rã rời, rêu lưỡi trắng, mạch đập yếu: Gừng 1 củ, tỏi 1 củ; gừng trộn tỏi giã nát thành bánh, đắp băng ở huyệt đan điền (dưới rốn) và huyệt nội quan (ở cổ tay).
Lương y Hữu Bảo
GiadinhNet
Bình luận (0)