Tiêu chảy là đại tiện ra phân lỏng, có khi toàn nước, số lần đại tiện tăng nhiều lần hơn lúc bình thường kèm theo các chứng đau bụng, nôn mửa hoặc sốt…
Không được nhịn ăn
Theo lương y Hoài Vũ, tiêu chảy không phải là một bệnh mà là một triệu chứng có liên quan đến nhiều bệnh về tiêu hóa và nhiễm khuẩn, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc điểm chung của tiêu chảy là cơ thể mất nhiều nước và muối khoáng nên có thể mệt mỏi, dẫn tới sốt cao, co giật, thậm chí tử vong.
Tiêu chảy – dù là nguyên nhân gì, điều trước tiên là phải bổ sung nước và muối khoáng Oresol, hoặc bằng nước chín (nước đun sôi để nguội). Cứ 1 lít nước cho vào 8 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê muối, đun sôi rồi để nguội, cứ mỗi giờ uống 5 – 100 ml. Cũng có thể cho uống nước gạo rang có bổ sung muối và đường
Hoắc hương, Hậu phác, Sắn dây – Ảnh: K.Vy
|
Khi bị tiêu chảy, dù là người lớn hay trẻ em cũng không nên nhịn ăn. Điều này chẳng những không làm giảm tiêu chảy mà còn làm cơ thể suy nhược hoặc tiêu chảy mạnh hơn.
Những bài thuốc chữa tại nhà
Theo lương y Hoài Vũ, nếu tiêu nhiều lần, phân lổn nhổn, nhiều nước, màu vàng, mùi chua là rối loạn tiêu hóa thông thường (do nhiễm lạnh, ăn quá nhiều, ăn đồ ăn lạ…). Trong trường hợp này chỉ cần thay đổi, điều chỉnh chế độ ăn, kiêng ăn đồ ăn lạ, và cho uống bài thuốc sau: củ gấu (giã dập, sao vàng) 20g, búp ổi (sao vàng) 20g, vỏ quýt (sao thơm) 12g, củ sả (sao vàng) 12g, gừng tươi 8g. Cho vào ấm, đổ thêm 500 ml nước sắc kỹ, chắt lấy 200 ml nước thuốc chia uống 2 lần trong ngày.
Nếu tiêu nhiều lần, lúc đầu ít phân, sau ra toàn nước như nước gạo, kèm đau bụng và nôn mửa, cơ thể suy sụp nhanh chóng thì phải nghĩ ngay tới tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Cần phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị và cách ly, đồng thời phải khử trùng, tiêu hủy mầm bệnh. Ở những nơi xa, trong khi chờ đưa đến bệnh viện có thể cho uống tạm bài thuốc sau: hoắc hương 40g, hậu phác (sao thơm) 20g, trần bì (sao thơm) 20g, vỏ rụt (nam mộc hương) 20g, can khương 12g. Cho hết vào ấm cùng 600 ml nước sắc còn 200 ml chia uống 2 lần trong ngày.
Nếu tiêu lỏng, có dấu hiệu mất nước rõ (môi khô, mắt trũng, lờ đờ), bị sốt, người mệt mỏi, suy sụp phải nghĩ tới tiêu chảy do nhiễm độc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thần kinh. Trường hợp này cũng phải đi khám, điều trị. Có thể cho uống bài thuốc sau: sắn dây 30g, rau má 40g, bông mã đề 20g, cam thảo dây 12g, rửa sạch các vị thuốc trên, giã dập, cắt nhỏ rồi cho 600 ml nước vào, sắc còn 200 ml chia uống 2 lần trong ngày.
Đi tiêu nhiều lần, phân sền sệt, màu nâu, mùi thối khẳm, sốt vật vã phải nghĩ tới hội chứng hoại tử ruột, và phải đến bệnh viện để điều trị. Khi chờ đợi có thể cho uống bài thuốc: bố chính sâm (sao gừng) 20g, sa nhân 16g, vỏ quýt 16g, củ mài 16g, gạo tẻ rang cháy 30g, can khương 16g, vỏ rụt 20g, cho 600 ml nước vào sắc còn 200 ml, chia uống 2 lần trong ngày.
Trong thời điểm giao mùa, bệnh tiêu chảy xảy ra nhiều. Do vậy, cần ăn uống đảm bảo vệ sinh để phòng tiêu chảy.
Khánh Vy (TNO)
Bình luận (0)