Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tạo ra nhiều việc làm mới đòi hỏi kỹ năng cao hơn; vì vậy, trong công tác đào tạo nghề, bên cạnh chuyên môn cần đảm bảo kỹ năng theo hướng tiếp cận nghề.
Học sinh THPT làm quen với ngành công nghệ ô tô tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM. Ảnh: Trọng Tri
Đó là khẳng định của các chuyên gia, cán bộ quản lý trong và ngoài nước tại hội thảo Định hướng xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030 do Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây.
Đào tạo nghề thích ứng với biến cố
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân nhận định, phát triển GDNN cần đi liền với di cư và lao động quốc tế, nâng cao trình độ kỹ năng của lao động, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Bên cạnh đó, bài toán dân số già cũng đòi hỏi GDNN tăng cường phát triển kỹ năng của người lao động, đào tạo và đào tạo lại cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày các chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế của GDNN Việt Nam như: Cung cầu kỹ năng trên thị trường lao động hiện nay; những vấn đề đặt ra đối với dự báo nhu cầu nhân lực GDNN thời kỳ 2021-2030; báo cáo sơ bộ từ kết quả phỏng vấn các bên liên quan… Theo đó, mỗi chuyên đề, bên cạnh nhiều nội dung có giá trị phát triển GDNN, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị giúp định hướng phát triển GDNN Việt Nam trong thời gian tới như nền kinh tế đang tạo ra nhiều việc làm mới có kỹ năng cao hơn; chiến lược GDNN có thể mở rộng các cách tiếp cận theo ngành để nâng cao năng lực quản trị về kỹ năng ở các ngành công nghiệp, tránh rủi ro của việc thiếu cân bằng kỹ năng; các hiệp định thương mại, công nghệ và các xu hướng khác đang tạo ra những nhu cầu kỹ năng mới; dịch Covid-19 cho thấy cần phải có một hệ thống GDNN thích ứng với các biến cố khó lường, cụ thể là cần có giải pháp để đào tạo trực tuyến hiệu quả… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung mổ xẻ các nội dung về đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước về GDNN, đặc biệt là đổi mới tư duy trong quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng công tác xây dựng chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 sẽ gặp không ít khó khăn khi đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, cuộc chiến tranh thương mại và dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Riêng Việt Nam, đến thời điểm này vẫn chưa có chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển nhân lực quốc gia giai đoạn mới, đây là một khó khăn thách thức cho công tác xây dựng chiến lược phát triển GDNN giai đoạn mới.
Từ thực tế đó, bà Britta van Erckelens (Phó Giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, GIZ) đề xuất cần có chiến lược phát triển nhân lực quốc gia dựa trên kết quả dự báo cũng như kinh nghiệm từ giai đoạn trước. Tác động từ cuộc CMCN 4.0, dịch bệnh… ảnh hưởng trên phạm vi rộng chứ không riêng Việt Nam, tuy nhiên, để vượt qua khó khăn này, trước hết cần đổi mới tư duy trong quản lý.
Doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể
Các chuyên gia và cán bộ quản lý GDNN đều cho rằng đào tạo nguồn nhân lực trong đó có GDNN đóng vai trò hết sức quan trọng, nên khi xây dựng chiến lược, trước hết cần lưu ý những vấn đề về nhân lực. TS. Nguyễn Quang Việt (Viện trưởng Viện Khoa học GDNN) cho rằng chiến lược phát triển GDNN phải được gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, linh động và thích ứng tốt với thực tiễn, thể hiện đào tạo nhân lực luôn là yếu tố tiên phong trước những yêu cầu của sự thay đổi kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ.
“Hiện kỹ năng của lao động Việt Nam đang có một khoảng cách lớn với lao động trong khu vực và thế giới. Theo đó, lao động Việt Nam có kỹ năng nghề trung bình và thấp chiếm đến 53% lực lượng lao động, trong khi đó con số này ở các nước ASEAN là 40% và nhóm ASEAN-4 là 30%”, PGS. Dương Đức Lân (Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội) cho biết. |
Chiến lược phát triển GDNN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, biến đổi khí hậu và những suy thoái trên phạm vi toàn cầu. Trong quá trình xây dựng chiến lược, công tác dự báo cung – cầu của thị trường lao động là yếu tố căn bản, định hướng để phát triển.
TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) khẳng định, hiện hệ thống GDNN của Việt Nam là một hệ thống mang tính thống nhất, hoàn chỉnh, là một lợi thế để xây dựng chiến lược phát triển GDNN giai đoạn mới. Theo đó, để xây dựng một chiến lược GDNN hiệu quả cần đánh giá đúng thực trạng, vị trí của GDNN hiện nay. Thực tế lực lượng lao động hiện nay về căn bản còn yếu kỹ năng nghề nên việc tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 sẽ là một thách thức lớn đối với GDNN giai đoạn tới. Trước cuộc CMCN 4.0, sự hội nhập quốc tế về GDNN và lao động, hệ thống GDNN cần được định hướng phát triển theo hướng mở, linh hoạt, chuẩn hóa với sự tăng cường năng lực về ứng dụng CNTT, sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý. Trong giai đoạn 2021-2030, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể chính trong phát triển GDNN.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Quân đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, cán bộ quản lý trong và ngoài nước. Những ý kiến đó góp phần xây dựng định hướng phát triển GDNN giai đoạn tới. “Để giải quyết bài toán xây dựng chiến lược phát triển GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, giai đoạn tiếp theo cần bỏ qua lối tư duy cũ, tiếp bước đổi mới nâng cao chất lượng GDNN. Bài toán GDNN Việt Nam 10 năm tới không chỉ là giải quyết nhu cầu lao động trong nước mà còn phải đáp ứng thị trường quốc tế. Tổng cục GDNN cần có những kế hoạch cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển GDNN trong thời gian tới. Cụ thể là có tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2011-2020, từ đó có mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Thu Hằng – Trần Anh
Bình luận (0)