Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Bài toán lao động cho KCN, KKT Bắc Trung Bộ: Giải cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động có tay nghề dễ kiếm việc.

Sau hơn hai thập kỷ lặng lẽ đứng bên lề cuộc cạnh tranh, năm 2008, Hà Tĩnh trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Chỉ trong vòng 3 năm đã có 70 dự án với tổng vốn 32,5 tỉ USD đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng.

Nhưng, khi các dự án triển khai ồ ạt, khoảng trống lớn về nhân lực có đào tạo trở thành nỗi lo cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Sốt lao động
Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đính tính toán, với những dự án trọng điểm như cụm cảng Vũng Áng, Sơn Dương cho phép tàu có tải trọng đến 50 vạn tấn cập cảng; các dự án công nghiệp nặng, luyện kim với công suất mỗi năm 15 triệu tấn thép/năm… yêu cầu về lao động sẽ rất lớn về số lượng, cao về trình độ.
Theo tính toán của tỉnh Hà Tĩnh, trung bình mỗi dự án cần trên 20.000 lao động được đào tạo. Chỉ tính riêng các dự án trọng điểm, đến năm 2015 được dự báo cần khoảng 119.000 lao động.
Đáng chú ý trong số đó, KCN Vũng Áng I cần 42.000 lao động; KKT cửa khẩu Cầu Treo cần 25.000 lao động; Dự án luyện thép và cảng biển Formosa là 20.000; khai thác mỏ sắt Thạch Khê cần 12.000 lao động…
Trong khi đó, trong 8 năm (từ 2001-2008), số lao động được đào tạo nghề chỉ dừng ở con số 26.000 lượt người. Nguồn cung hiện chỉ dựa vào 33 cơ sở dạy nghề, bao gồm 1 trường ĐH, 2 trường CĐ, 7 trường TC, 11 trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Văn Chất thẳng thắn nhận xét, Hà Tĩnh đang trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa cung – cầu LĐ, đặc biệt là LĐ có trình độ cao. Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh đồng quan điểm: “Thực tế hiện nay và một số năm tới, để đáp ứng đủ nhu cầu lao động như trên là rất khó khăn”.
Cần chính sách thu hút, đào tạo cấp bách

Trong tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế cho đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh chỉ có khoảng 625 nghìn người, với tỉ lệ đã qua đào tạo đạt 26%. Trong số đó, lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được 1/3 con số này. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp FDI phải tính đến biện pháp đưa lao động đi đào tạo tại nước ngoài, hoặc đầu tư tiền để xây dựng cơ sở đào tạo, như trường hợp của Formosa ở Vũng Áng.
Tổng Giám đốc Formosa Ngô Quốc Hùng bày tỏ: “Chúng tôi muốn con cháu địa phương đời sau không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng để chuyển lượng lao động nông nghiệp thành các công nhân bậc cao không phải vấn đề dễ dàng, bởi trình độ hiểu biết chung của nhóm lao động này còn thấp.
Trong khoảng 10 năm gần đây đã xuất hiện 11 ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn là luyện thép; ximăng; nhiệt điện và thủy điện; cảng biển với cảng nước sâu; chế biến thực phẩm; nước giải khát; du lịch; xây dựng và giao thông… Chỉ riêng Tập đoàn Formosa trong giai đoạn đầu đã cần tới 500-1.000 lao động/năm trong các lĩnh vực: Quản lý, ngoại ngữ, kỹ sư cơ khí, hoá chất, vật liệu xây dựng, luyện kim, kỹ sư điện, nước, tự động hoá, môi trường… và cả cán bộ thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung Quốc.

Theo LD

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)