Một chiều đi học về, con gái tôi hớn hở: “Ba ơi, hôm nay bài tập làm văn của con được cô cho điểm 8, đứng thứ nhì trong lớp đó!”. Vừa nói, bé vừa đưa cho tôi xem quyển tập làm văn.
Lời phê của cô giáo khá đơn giản, chỉ vỏn vẹn hai chữ “khá hay” và điểm 8 bằng mực đỏ, ngoài ra không còn lời nào khác. Mới đọc bài tập làm văn của con chỉ mấy dòng mà tôi đã phát hiện ra mấy lỗi chính tả. Nhưng tôi tự nhủ có lẽ do cô sơ ý nên không thấy, vì phải chấm một lúc 30 bài cơ mà. Thế nhưng càng đọc tôi càng thấy lạ vì cháu mắc khá nhiều lỗi chính tả, danh từ riêng không viết hoa, dù nội dung bài khá hay. Đọc xong bài văn, tôi đếm tất cả: cháu mắc phải 15 lỗi. Thực ra, thông thường cháu không mắc lỗi nhiều như thế, và chữ viết cũng đẹp hơn. Tôi hỏi cháu: “Sao con viết sai lỗi chính tả và viết dối quá vậy, thường ngày đâu có thế?”. Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi cháu trả lời: “Ba ơi, chỉ có 30 phút mà làm xong bài văn dài như thế, bọn con đâu có đủ thời gian. Con viết mỏi nhừ cả tay mới kịp đó!”. Ra là vậy. Vì vội vã nên con tôi viết dối, viết sai lỗi chính tả quá nhiều vì không có thời gian nắn nót trong khi viết hoặc dò lại bài. Thế nhưng cô giáo không hề sửa cho cháu một lỗi nào, hay đánh dấu chỗ sai để cháu xem lại và tự sửa.
Thiết nghĩ không phải chỉ mỗi môn chính tả cô giáo mới dò lỗi chính tả cho học sinh. Phải rèn luyện “mọi lúc mọi nơi” ở tất cả các môn học khác để hình thành cho học sinh thói quen viết đúng viết đẹp. Từ bài văn của con, tôi nghiệm ra nhiều điều. Có không ít người đã từng tốt nghiệp đại học, đi làm nhiều năm nhưng soạn thảo văn bản sai khá nhiều lỗi chính tả, thậm chí cả những người ở cương vị lãnh đạo cũng thế. Tôi nghĩ điều đó thật không nên, cần nghiêm túc trau dồi, học tập. Và rèn luyện chữ tốt, viết đúng chính tả ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một điều hết sức cần thiết.
Lê Quốc Hào (Bà Hom, Q.6, TP.CM)
Bình luận (0)