Đã gần 8 năm trôi qua, bài văn hồi lớp 6 của em Tăng Văn Bình – thủ khoa đại học Ngoại thương vẫn được lưu giữ cho đến tận hôm nay. Bài văn đạt điểm 10 đã gây xúc động các thầy cô giáo cùng bạn bè….
Bài văn 10 điểm đầy xúc động của Tăng Văn Bình.
Trong kỳ thi môn Ngữ văn lớp 6 năm 2003 của Trường THCS Lý Nhật Quang (thị trấn Đô Lương, Nghệ An) cô giáo chủ nhiệm đã ra đề thi như sau: “Em hãy kể về người mẹ kính yêu”.
Bài văn của em Tăng Văn Bình làm đã đạt điểm 10 với lời phê của cô giáo bộ môn: “Cô tin ở em. Tương lai tươi sáng đang chờ đón em. Cố gắng lên Bình nhé!”. Lời phê của cô giáo đã trở thành hiện thực khi ngày hôm nay, Bình trở thành thủ khoa ĐH Ngoại thương, đạt 30/30 điểm.
Dân trí xin trích lại toàn bộ bài văn cách đây gần 8 năm của em Tăng Văn Bình:
Đề tài: Em hãy kể về người mẹ kính yêu
Bài làm: Mỗi người đều có một người mẹ. Đó là một chỗ dựa tinh thần rất lớn mà ai cũng phải đáng quý trọng. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ luôn luôn dành tình yêu thương lớn nhất cho chúng tôi để bù đắp nỗi mất mát về người cha.
Thủ khoa Tăng Văn Bình ước mơ trở thành một nhà kinh tế
Tôi sinh ra đã không thấy được mặt cha. Đó là sự tổn thương rất lớn. Tuy vậy, nhưng mỗi khi ở bên mẹ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Năm tôi lên một tuổi, mẹ tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Nào là đóng gạch, cuốc mướn… mẹ làm hết. Nghĩ đến đây mà tôi rưng rưng nước mắt. Số mẹ tôi thật khổ! Mẹ làm vất vả đến như vậy mà vẫn không đủ ăn nên mẹ phải đi làm nghề dạy trẻ. May mắn lắm mẹ mới xin được vào một nơi ổn định.
Bàn tay mẹ tần tảo, đầy những vết chai sần. Đôi mắt thì quầng đen vì làm việc vất vả. Nhưng tôi biết, vào những ngày Tết trong khi mọi người dang vui đùa chạy nhảy thì mẹ lại ra ngoài vườn lặng lẽ ngồi khóc. Những giọt nước mắt chứa đọng tâm hồn trong sáng, chung thủy của mẹ.
Mẹ thật là cao cả! Mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước đi của tôi như một động lực giúp tôi không ngừng học hỏi. Tôi còn nhớ có năm lúa thất (mất) mùa mẹ phải đi khuân vác gạch thuê cho người ta để kiếm tiền. Đôi vai mẹ bị chầy xước rất nhiều. Nhưng nó lại chưa đựng nhiều kỷ niệm đối với tôi. Đến bây giờ, mẹ vẫn không ngừng làm việc.
Có lẽ ông trời không cho mẹ nghỉ. Tuy vậy, mẹ có một tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời. Tôi thật cảm phục trước mẹ. Năm tháng qua đi, mẹ vẫn phải chịu đựng bao nỗi đắng cay, ngọt bùi. Mẹ như là một tia sáng của đời con. Tôi biết mẹ ấp ủ trong mình một nỗi hy vọng: “Không để cuộc đời con lại giống mình phải gây dựng cho con một sự nghiệp”. Tôi biết vì tôi, mẹ có thể hy sinh tất cả, kể cả niềm vui. Vì thế mẹ rất nghiêm khắc khi tôi làm sai việc.
Miệt mài đèn sách đã làm cho Bình trở thành thủ khoa đáng khâm phục
Tôi thật khâm phục mẹ. Tôi phải phấn đấu để trở thành một người con ngoan để mẹ khỏi buồn lòng, để đền đáp công lao sinh dưỡng của mẹ. Mẹ là một người mẹ không giống với người mẹ nào. Trong mắt mẹ, tôi như là một hy vọng rực rỡ. Tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói: “Nếu mẹ là dòng sông, con là nước thì dòng sông không thể chảy được nếu thiếu nước”.
Bài làm Ngữ văn của em Bình đã gây xúc động mọi người và được gia đình cất giữ cho đến tận hôm nay.
Ngày nhận được tin cháu đỗ thủ khoa, người chú Tăng Văn Hùng đã làm một bài thơ xúc động tặng cháu:
“Nghe tin con đậu thủ khoa/ Cả nhà phấn khởi đi ra đi vào/ Thỏa lòng những ước cùng ao/ Miệt mài đèn sách biết bao tháng ngày/ Trước là con trả nghĩa thầy/ Trả công cha, mẹ trồng cây sinh thành/ Công bà, bác, các chị anh/ Họ hàng nội ngoại luôn giành tình thương/ Tạo cho con một thiên đường/ Học cùng các bạn dưới một mái trường nổi danh/ Vắt mồ hôi mẹ để giành/ Gom tình yêu mẹ tạo cành con leo/ Tạo bậc thang để con trèo/ Là tình thầy, bạn vượt nghèo làm gương/ Đảng cho con có môi trường/ Bác cho con cả tình thương dạt dào/ Giúp con nuôi những ước ao/ Có thêm nghị lực bước vào tương lai….”.
Nguyễn Duy / Dan tri
Bình luận (0)