Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài văn hay đoạn văn?

Tạp Chí Giáo Dục

K thi THPT quc gia năm 2018 đang ti gn nhưng dưng như còn quá nhiu vưng mc xung quanh câu chuyn bài văn – đon văn.

Thí sinh xem li đ môn ng văn trong k thi THPT quc gia các năm trưc. Ảnh: D.Bình

Cứ tưởng rằng sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mọi việc đã được sáng tỏ, tư tưởng đã được thông suốt, nhưng đến tận lúc này, qua những gì quan sát được, tôi thấy vẫn còn một số bất cập. Tạm chia ra thành hai nhóm: Một số địa phương trên cả nước trong việc chấm thi THPT quốc gia, vẫn chấp nhận cả hai phương án: đoạn văn – bài văn thu nhỏ. Một số trường, một số giáo viên vẫn đang yêu cầu học sinh khi viết đoạn văn, phải thực hiện tất cả hoặc phần lớn các bước của một bài văn thu nhỏ. Theo tôi, đó là những điều bất ổn, đặc biệt có liên quan tới quyền lợi của học sinh. Vì vậy, tôi xin có một số ý kiến cụ thể sau:

Thứ nhất, đó là quan niệm về đoạn văn. Xin dẫn ra đây quan niệm của thầy Nguyễn Quang Ninh: “Đoạn văn là đơn vị cơ sở của văn bản, diễn đạt một nội dung nhất định (nội dung logic hay nội dung cảm xúc), được mở đầu bằng chỗ lùi đầu dòng, viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn” (Trích 150 bài tập rèn kỹ năng xây dựng đoạn văn – Nguyễn Quang Ninh – NXB Giáo dục, 1997, trang 7). Học sinh cũng đã được học từ lớp 8 (xin xem: Xây dựng đoạn văn trong văn bản, trang 36), rằng: đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Ở bậc THPT, học sinh cũng đã được rèn kỹ năng viết đoạn nghị luận ở lớp 10. Không còn nghi ngờ gì nữa, đoạn văn không thể là bài văn, cho dù là bài văn thu nhỏ. Bài văn nghị luận, hiểu một cách đơn giản, được xây dựng từ nhiều đoạn văn, mỗi đoạn văn đảm nhiệm một “nhiệm vụ” nhất định. Cũng có thể hiểu thế này: mỗi bài văn có nhiều ý, mỗi đoạn có nhiệm vụ triển khai một ý. Việc sắp xếp thứ tự trước sau giữa các ý tạo nên lập luận trong bài văn. Ở đề thi THPT quốc gia hiện nay – với thời lượng từ 180 phút giảm xuống còn 120 phút, đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn, cũng tức là giảm yêu cầu từ việc làm nhiều ý xuống còn một ý.

Không thể cho rằng, một đoạn văn đúng là đoạn văn chỉ đảm bảo tiêu chí về hình thức (được mở đầu bằng chỗ lùi đầu dòng, viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn) mà không đảm bảo tiêu chí về nội dung (đặc biệt là logic nội dung).

Thứ hai, những bất cập nói trên sẽ mang đến những hệ lụy gì? Việc các địa phương chấp nhận cả hai phương án (bài văn, đoạn văn) khi chấm thi sẽ không đảm bảo sự công bằng cho học sinh, rằng những học sinh làm đúng yêu cầu của việc viết đoạn văn sẽ bị “đánh đồng” với những em viết không đúng, thậm chí các em làm đúng còn bị thiệt thòi vì bị cho là… thiếu ý. Việc một số giáo viên còn đang yêu cầu học sinh “nén” tất cả các ý, các thao tác của bài văn vào đoạn văn là một việc hết sức vô lý. Làm thế nào có thể trình bày suy nghĩ về một vấn đề và thực hiện mọi thao tác của bài văn chỉ trong 200 chữ? Điều này không chỉ không đảm bảo công bằng, mà còn gây hoang mang cho học sinh, đặc biệt trong thời điểm kỳ thi quan trọng của các em đang tới gần.

Thứ ba, đâu là giải pháp? Giải quyết vần đề này, rõ ràng phải bắt đầu từ một quan niệm đúng về đoạn văn. Việc một chuyên gia thuộc lĩnh vực này có thêm ý kiến cũng là điều cần thiết trong lúc này. Tất nhiên, theo tôi, đáp án của Bộ GD-ĐT năm 2017 thực chất đã có thể được coi như lời giải đáp thỏa đáng xung quanh những thắc mắc, băn khoăn. Các thầy cô cũng cần lưu ý là ngoài đáp án chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT chưa công bố đáp án đề minh họa nào. Nhiều thầy cô nhầm lẫn các gợi ý trên báo là đáp án, định hướng của Bộ GD-ĐT nên đã hướng dẫn học sinh làm theo. Giữa các hội đồng chấm ở các địa phương, cần có một sự thống nhất cao trong việc chấm thi, cũng như thống nhất các mức điểm, nhằm bảo đảm sự công bằng cho học sinh. Với giáo viên, tôi nghĩ các thầy cô nên rèn luyện cho học sinh kỹ năng viết nhiều dạng đoạn văn nghị luận. Nhiều giáo viên hiện nay đã không chỉ cho học sinh luyện tập với các yêu cầu cụ thể (như bàn về ý nghĩa của sự thấu cảm trong đề thi THPT quốc gia năm 2017) mà còn cho học sinh luyện tập với các yêu cầu khác (ví dụ, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận bàn về nguyên nhân, trả lời câu hỏi: làm thế nào?). Cũng cần nói thêm là có giáo viên khi ôn tập cho học sinh, đang tự chia thành hai dạng: yêu cầu “hẹp” (với yêu cầu trình bày suy nghĩ về ý nghĩa, tác dụng, hậu quả…) và yêu cầu “rộng” (như trình bày suy nghĩ về…). Việc chia dạng đoạn nghị luận như vậy cũng được nhưng cần rất lưu ý khi hướng dẫn học sinh, đặc biệt với yêu cầu “rộng”. Không thể bắt học sinh làm tất cả các bước như giải thích, phân tích biểu hiện, tác dụng/ tác hại, phê phán, rút ra bài học – tức là làm bài văn thu nhỏ. Điều cần làm, theo tôi, ở dạng đề bài này là thiết lập một đáp án “mở”, trong đó yêu cầu học sinh có thể lựa chọn một trong nhiều ý để viết thành đoạn văn.

Xuất phát từ quan niệm đúng về đoạn văn, nhất là khi đã trang bị cho học sinh kiến thức cần thiết về đoạn văn, thì ở dạng đề bài nào, giáo viên và học sinh cũng có thể giải quyết được.

Nguyn Ngc Triu
(Trưng THPT chuyên Lê Hng Phong, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)