Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bán báo dạo ở cực Nam Tổ quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Cà Mau, phát hành báo chí qua hệ thống bán báo dạo đóng vai trò chủ lực. Hơn bốn năm trước ở TP Cà Mau chỉ có 3-4 người bán báo dạo, do thấy nghề này đang “ăn nên làm ra” ở TP cực Nam Tổ quốc nên chỉ sau vài năm số người bán báo dạo đã tăng lên gấp mười lần.

Ông Trần Văn Quí phân loại báo trước khi rong ruổi khắp nơi – Ảnh: DUY KHANG
Hơn 6g sáng, một khúc đường Lưu Tấn Tài ở phường 5, TP Cà Mau chộn rộn với nhiều giọng nói cười Bắc – Trung – Nam của những người bán báo đang chờ “họp chợ”. Vỉa hè được lát gạch men thật sạch gần cổng sau Bưu điện Cà Mau đã trở thành “chợ báo” nhiều năm qua và giúp hàng chục gia đình nghèo khổ vươn lên đủ ăn, đủ mặc.
Đưa thông tin đến tận tay bạn đọc
6g30, xe chở báo Tuổi Trẻ vừa chạy vào cổng sau bưu điện, hàng chục người vây quanh. Một số đại lý giao báo cho các sạp nhanh tay đưa lên xe máy những bao báo to tướng rồi vụt mất. Tuy nhiên, “chợ báo” còn phải nhóm họp tiếp khoảng 15-20 phút để hàng ngàn tờ báo được chia cho những người bán báo dạo. Vừa xếp xong gần 200 tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công An, Thể Thao… lên giỏ xe đạp, ông Trần Văn Quí vội lật nhanh các trang thời sự để “điểm tin”. Ông nói như reo: “À, hôm nay Tuổi Trẻ có bài Khán giả Hải Phòng nổi điên”. Vừa nói dứt câu, ông Quí vội vã đạp xe về khu vực có nhiều quán cà phê với lời rao: “Báo đây, báo đây, siêu sao bóng đá không ra sân, khán giả Hải Phòng nổi điên. Báo đây, báo mới đây…”.
Đảo hết các quán cà phê có những “mối ruột” đang ngồi chờ ở phường 5, phường 6, phường 8, phường 9, TP Cà Mau, ông Quí lại đạp xe thật nhanh đến những gia đình đặt báo dài hạn để đảm bảo thông tin không bị “thiu”. Nhanh chân hơn những người bán báo dạo bằng xe đạp, Nguyễn Hoài Phong (28 tuổi) mỗi sáng sau khi nhận báo về là chuyển ngay cho vợ một phần để giao cho các mối đang chờ ở những quán cà phê gần nơi vợ chồng ở trọ. Trên 200 tờ còn lại Phong mang đến tận các ngõ ngách, khu vực vùng ven TP Cà Mau bằng xe máy nên thông tin luôn đảm bảo đến tay bạn đọc rất sớm.
Ông Nguyễn Thanh Phong, một cán bộ trong ngành xây dựng ở Cà Mau, bộc bạch: “Nhiều lúc ra tới sạp báo mà báo chưa về nên phải đứng chờ rất mất thời gian. Nếu bỏ đi uống cà phê hay ăn sáng rồi quay lại sạp lấy báo sợ không kịp giờ vào làm việc. Do đó, chọn “ba trong một” là vừa uống cà phê, ăn sáng và chờ người mang báo đến đọc chừng 15 phút thì vừa hết đói bụng, thỏa cơn nghiện cà phê và đặc biệt là không bị “đói” thông tin trước khi bước vào cơ quan”.
Hết lo đói
Ông Trần Văn Quí năm nay đã 54 tuổi, có cuộc sống khá ổn định sau hai năm bán báo dạo. Cách nay sáu năm, khi mới rời Hải Giang (Hải Hậu, Nam Định) vào Cà Mau lập nghiệp, vợ và hai con ông Quí làm công nhân thủy sản. Còn ông sang chiết gas để bán lẻ, mỗi tháng kiếm được 500.000 – 800.000 đồng. Rồi sản lượng tôm sụt giảm, nhà máy hoạt động không hết công suất khiến cuộc sống gia đình tiếp tục thiếu thốn. Ông Quí cho biết: “Trong lúc ngồi buồn thì những người cùng nhà trọ rủ đi bán báo. Lúc đầu bán được vài chục tờ rồi tăng dần lên nhờ chịu khó đi xa. Hiện nay mỗi ngày tôi bán được gần 200 tờ báo các loại, mỗi tờ lời 500 đồng nên không lo đói nữa vì ít ra mỗi tháng cũng có dư 1,5-2 triệu đồng”.
Lời thêm kiến thức
Ông Quí cho rằng trước đây khi chưa đến với nghề, ông và những người bán báo dạo ở Cà Mau không hiểu nhiều về kiến thức pháp luật, kinh nghiệm sống còn rất hạn chế. Hằng ngày, trên đường bán báo, anh em thường dừng chân ở các quán cà phê để ngồi đọc những tờ báo đang bán, rồi bàn luận chuyện đời, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm sống qua những bài báo hay, biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai để định hướng cho con cháu sống tốt, sống có ích cho xã hội.
Cùng cảnh nghèo khó nên học hết lớp 4 Nguyễn Hoài Phong đã rời quê Càng Long (Trà Vinh) theo cha mẹ làm thuê làm mướn khắp nơi. Đến khi có sức khỏe, Phong xin vào các công trình xây dựng làm thợ hồ với thu nhập 30.000 – 40.000 đồng/ngày, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được việc nên buổi đói buổi no.
Trong một lần xuống Cà Mau thăm người yêu, Phong không chỉ “bén rễ” ở Cà Mau mà còn học được nghề bán báo. Phong tươi cười nói: “Ngày đầu mới theo nghề bán báo tôi mắc cỡ lắm, không biết mời khách mua báo thế nào vì trước giờ đâu có thường xuyên đọc báo nên nơm nớp lo bán ế, sợ đói. Hôm đó ế thật, nhưng ôm mấy tờ báo ế ấy về nhà trọ đọc đến tận sáng thì thông ngay và ngày hôm sau mang báo đến các quán cà phê bán đắt như tôm tươi, đến bây giờ không còn lo đói nữa”.
Chính nghề bán báo dạo đã giúp Phong có đủ tiền cưới vợ, và sau bốn năm gắn bó với nghề giờ đây Phong đã thuê hẳn một căn nhà cho vợ và hai con ở với đầy đủ tiện nghi cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt, giải trí hằng ngày. Hiện nay, khách mua báo của Phong nếu chuyển địa chỉ uống cà phê thì chỉ cần bấm điện thoại di động là Phong mang báo đến ngay, do đó có rất nhiều người chọn chàng trai này làm “mối ruột”.
Phong khoe: “Nếu không có nghề bán báo dạo chắc đến giờ tôi vẫn còn vất vả lắm vì ngày đầu đặt chân xuống Cà Mau chỉ có hai bàn tay trắng. Hiện nay mỗi ngày tôi bán được 150 tờ Tuổi Trẻ, 140 tờ Công An TP.HCM, 100 tờ Thanh Niên và gần 50 tờ Người Lao Động, Thể Thao, Pháp Luật nên cuộc sống khá thoải mái. Hai con tôi bây giờ đi nhà trẻ tư thục với chi phí gần 1 triệu đồng/tháng, nhưng tôi vẫn có thể gồng gánh vì có nghề bán báo dạo”.
DUY KHANG (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)