Ngôi nhà nép mình dưới những rặng cây ven đường Hồ Chí Minh này từ lâu không được yên bình như khung cảnh ở đây. Tất cả chỉ vì chủ nhân của nó, anh Nguyễn Kim Hợp, dám cả gan chống lại mấy ông quan xã.
Anh Nguyễn Kim Hợp và bộ “đồ nghề” chống tham nhũng. Ảnh: PV |
Trưa nắng, anh Hợp mở cửa đón tôi nhưng mắt vẫn nhìn ra ngõ đầy cảnh giác. Phản xạ ấy hình thành kể từ khi người đàn ông này nếm trải đòn thù từ những quan tham…
Đêm tĩnh mịch, bỗng dưng một loạt đá củ đậu ném ào ào xuống mái ngói của ngôi nhà. Ngói vỡ, kính tan. Mảnh ruộng màu mỡ của nhà anh Hợp bị rắc đầy mảnh chai. Lội xuống, mảnh chai đâm vào chân chảy máu. Ruộng coi như bỏ.
Hành trình đi cứu đất
Kể từ khi nhà nước khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh chạy qua xã Phú Phong, giáp với thị trấn Hương Khê, đất ở đây trở nên sốt. Nhiều lô đất công bị cán bộ xã tự ý chia, cho biếu tặng vô tội vạ. Họ còn ngang nhiên thu đất có sổ đỏ hợp pháp của dân để bán kiếm lời.
Nhập vai một người đi mua đất, anh Hợp phát hiện 22 quan xã tham nhũng đất. Trong đó, nguyên Bí thư Đảng ủy Xã Kim Chung ăn nhiều nhất: có 14 sổ đỏ. Trưởng Công an Xã Nguyễn Viết Đạt có 11 lô đất. Trưởng ban Địa chính Lê Hữu Cơ chín sổ đỏ. Còn lại, trung bình mỗi vị có hơn ba lô đất.
Nguyễn Kim Hợp còn phát hiện 80 ha rừng hàng chục năm tuổi ở đồi Phục Si bị chặt phá. Trong đó, 20 ha rừng của dự án 327 bị triệt hạ tan hoang rồi đóng cọc xi măng, rào dây thép gai, phân lô bán.
Anh Hợp thử lấy bút vẽ từng ô để làm chứng cứ, nhưng vẽ không xuể. Đi mượn máy ảnh để chụp lại cũng khó khăn. Vậy lấy đâu ra bằng chứng? Anh bỗng cảm thấy bất lực.
Anh bàn với vợ bán con bò gần ba triệu đồng, mượn tiền của các con đi lao động ở TPHCM năm triệu, vay thêm ngân hàng. Anh lặn lội xuống thành phố Hà Tĩnh mua một chiếc máy ảnh, máy ghi âm, một chiếc điện thoại di động và các sách luật liên quan. Tất cả sẵn sàng cho trận đánh lớn.
Một hôm, anh mang đơn viết tay đến gửi chủ tịch huyện thì gặp người bạn Nguyễn Tiến Sỹ cũng mang đơn đi kiện với nội dung tương tự. Họ kết bạn tâm giao. Anh Hợp rủ thêm người em trai Nguyễn Kim Trúc cùng tham gia, tạo thành thế chân kiềng.
Nhưng chẳng hiểu sao gửi đơn lên huyện mãi mà vẫn chẳng thấy hồi âm. Chẳng hiểu sao tất cả các hiệu photo, đánh máy vi tính ở thị trấn Hương Phố đều từ chối khi anh Hợp đến nhờ làm.
Ba người chụm đầu lại phân tích: “Ông Phan Văn Tích – nguyên chủ tịch huyện, cũng được “mua giá nội bộ” 1.750 m2; con rể ông Tích 4.000 m2; con gái ông Tích 5.750 m2. Vậy thì, gửi đơn, huyện im lặng cũng dễ hiểu thôi”.
Họ bắt đầu kêu lên tỉnh. Bộ ba đi tỉnh chuyến đầu tiên với tinh thần bí mật, an toàn – người đi giữa mang hồ sơ, người đi trước, người đi sau làm nhiệm vụ cảnh giới.
Đêm rét như cắt, mưa xối xả, qua Truông Bát hiểm trở, họ còng lưng đẩy xe vượt dốc. Anh Hợp cũng không nhớ mình có bao nhiêu chuyến đi như thế. Cũng không nhớ mình gửi bao nhiêu đơn từ tố cáo các quan xã.
Giải cứu được đất cho nhà nước, nhưng miếng đất nhà anh Hợp đang ở mãi vẫn chưa được cấp sổ, dù đủ mọi điều kiện. Đòn thù vẫn chưa buông tha người đàn ông dám đương đầu với tham nhũng. Nhà của gia đình anh thỉnh thoảng lại có một cơn mưa đá củ đậu trút xuống. Trước cổng, thỉnh thoảng lại xuất hiện miếng giấy gửi lời đe dọa “Hãy coi chừng”. |
Anh Hợp vào nhà mở tủ bê ra một bao tải. Anh xếp lên bàn hàng trăm lá đơn và các tài liệu, hồ sơ, một máy ghi âm cùng 38 băng lớn bé, một bao pin tiểu, hai điện thoại di động, ba chiếc radio, một máy ảnh.
Ngoài ra, còn mấy chồng sách dày cộp gồm: Luật Khiếu nại Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Tố tụng, Luật Phòng chống Tham nhũng…
“Ngày đội đơn đi kiện, đêm giở sách luật ra nghiên cứu, chúng tôi trở thành những người đàn ông bê trễ việc nhà, lại đi dây vào những người có chức quyền và nhiều thủ đoạn. Có lần, gặp được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mới biết, bộ hồ sơ gửi qua bưu điện bị ai đó bóc và lấy mất phần quan trọng phanh phui tiêu cực của cán bộ xã Phú Phong” – Anh Hợp kể.
Mần tới cùng
Khi cuộc chiến đến hồi gay cấn, một buổi sáng, anh Hợp thấy một mảnh giấy găm ở cổng: “Hãy coi chừng”. Nhưng ba người đàn ông không run sợ, họ quyết “mần tới cùng”.
Dọa nạt không được, một cán bộ xã đến nhà anh Hợp ngon ngọt, “nếu lặng đi rồi sẽ cho mấy đám đất”. Anh đuổi cán bộ xã đó ra khỏi nhà mình.
Kêu lên tỉnh chưa thấu, anh lại đội đơn ra tận Hà Nội. Lộ phí từ tiền bán bò, tiền vay ngân hàng rồi cũng hết, anh phải vay thêm. Sau bảy lần ra Hà Nội, cuối cùng Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4706 VPCP/V1, yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ vụ việc.
Sau một năm đi kiện, ba cựu chiến binh xã Phú Phong giúp UBND huyện Hương Khê thu hồi đất bị quan chiếm dụng với tổng diện tích gần 8.000 m2. Trung bình, mỗi mét vuông đất khu vực đường Hồ Chí Minh chạy qua Phú Phong giá khoảng 600.000 đồng, thì với việc giúp xã thu hồi gần 8.000 m2 đất, họ đòi về cho nhà nước gần năm tỉ đồng. |
Sáng hè 10/5/2006, xã Phú Phong bỗng trở nên náo động khi công an lần lượt khám nhà Đặng Quang Châu, cán bộ ban tôn giáo (nguyên trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường); Trịnh Xuân Tùng – chuyên viên phòng Tài nguyên & Môi trường; Nguyễn Đình Lợi, chi cục thuế huyện; ba cán bộ xã – Nguyễn Kim Chung, nguyên bí thư đảng ủy; Nguyễn Văn Hồng – phó bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch HĐND xã (nguyên chủ tịch xã); Lê Hữu Cơ – trưởng ban địa chính xã.
Các bị can này bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lợi dụng chức quyền trong khi thi hành công vụ. Dính líu vào sự vụ này, còn có 13 cán bộ thuế của huyện Hương Khê.
Những sai phạm đất đai ở xã Phú Phong được đưa ra ánh sáng, nhưng với ba người đàn ông đi cứu đất, vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ. “Dù bị đốt nhà, chúng tôi cũng sẽ mần tới cùng”.
Anh lại chuẩn bị lên đường, nhưng tôi xem ra trong nhà anh, cũng chẳng còn con bò nào để bán.
Phùng Nguyên (Theo TPO)
Bình luận (0)