Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bán cá hấp cho thương lái Trung Quốc: Rủi ro cao, nhưng hết lựa chọn

Tạp Chí Giáo Dục

Toàn bộ đầu ra của sản phẩm cá hấp từ 47 cơ sở của thị trấn Cửa Việt (Quảng Trị) đều bán cho thương lái Trung Quốc về thu mua ngay tại địa phương. “Nhưng, họ tới cân, bốc lên xe, chở đi, khi nào trả tiền là quyền họ…” – một chủ lò hấp cá nói.

Ngày 17.7, đội tàu xa bờ của Cửa Việt cập bờ với hàng chục tấn cá nục mỗi tàu. Ảnh: L.C.C

Mua chịu

Anh Hồ Văn Thăng – ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt – là ông chủ lò cá hấp lớn nhất ở cửa biển này, hiện anh có 2 lò hấp với công suất tổng cộng trên 20 tấn cá tươi mỗi ngày. Cơ sở hấp sấy của anh tạo ra việc làm thường xuyên cho 35 lao động. Ngoài ra, tại một số công đoạn khoán sản phẩm, mỗi lao động còn kéo theo con cái làm thêm, cũng được vài chục lao động phụ nữa mỗi ngày. Bà Vũ Thị Hợi – 60 tuổi, nói: “Từ ngày có lò hấp của chú Thăng, mỗi vụ cá hấp như ri, hai mạ con tui cũng thu được trên 50 triệu đồng tiền công”. Anh Thăng nói: “Riêng hai lò hấp của tôi, mỗi năm đã bán cho thương lái Trung Quốc gần 500 tấn sản phẩm cá hấp khô. Bán hàng cho những người Trung Quốc thật sướng, vì chỉ sợ không có đủ hàng thôi, có mấy họ nhập mấy… Nhưng rất lo, họ nợ lại tiền, số lượng rất lớn, như năm ngoái họ nợ tôi gần 500 triệu đồng, cũng phải đi lại nhiều lần mới đòi được, trong khi tôi mua cá tươi của bà con đi biển về đều phải trả tiền tươi. Nói dại miệng, lỡ họ đi thẳng thì cả gia sản này coi như mất trắng”.

Nhiều người bán, một người mua

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt – ông Mai Văn Minh – cũng lo lắng: “Nói thật, thấy dân mở ra nghề hấp cá, bán chạy, vừa tiêu thụ được sản phẩm đánh bắt của ngư dân vừa tạo ra việc làm, thu nhập cho phụ nữ, nam giới không đủ sức đi biển, chúng tôi rất mừng. Nhưng, lo nhiều hơn vì đầu ra của cá hấp chỉ duy nhất thương lái Trung Quốc mua, mà họ mua nợ, khi nào có tiền thì họ trả, không có hợp đồng, giấy tờ gì hết. Nói chung là… rất phiêu”. Tất cả các cơ sở hấp cá tại Cửa Việt đều bán sản phẩm cho thương lái Trung Quốc về thu mua tận nơi như anh Thăng cả. Chị Thủy – chủ một lò hấp lớn ở đây – cũng nói rằng công việc hiện trôi chảy và thuận lợi, chị không chỉ thu mua cá của ngư dân trong tỉnh, mà còn mở rộng thu mua của những tàu xa bờ ở các tỉnh xa nữa, chỉ một nỗi lo lớn nhất là thương lái Trung Quốc nợ tiền mua hàng. “Tụi em cũng cố gắng tìm kiếm đầu ra chắc chắn hơn, nhưng tiêu thụ nội địa thì rất yếu, không bán nợ cho người Trung Quốc thì chỉ có cách… dẹp lò hấp sấy thôi” – chị Thủy buồn bã nói.

Chính quyền thị trấn Cửa Việt cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng ở huyện, tỉnh vào cuộc, có những giải pháp, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý nhằm giúp ngư dân, chủ lò hấp cá giao dịch mua bán với người nước ngoài đảm bảo an toàn hàng hóa, tiền bạc. Nhưng, ông Mai Văn Minh nói rằng cho đến nay vẫn chưa có kết quả, vì nếu kiểm tra giấy tờ, đòi hỏi thủ tục chặt chẽ đối với phía mua cá thì họ… bỏ đi, không mua nữa. Còn anh Thăng thì nói rằng, nếu cả 47 cơ sở hấp cá trong địa bàn cùng tập hợp nhau lại trong một hiệp hội, nghiệp đoàn nghề cá để bảo vệ nhau, cùng nhau chống lại sự độc quyền thị phần và giá mua của một số ít thương lái thì hy vọng việc “bán quyền ả, trả (tiền) quyền tui” như lâu nay sẽ được “khắc chế” một phần.

Lâm Chí Công

Theo Lao Động

Bình luận (0)