Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bàn cách bảo vệ nguồn lợi cá cơm

Tạp Chí Giáo Dục

Nước mắm cá cơm Tây Nam có nguy cơ vắng bóng trên thị trường nếu không kịp thời chấn chỉnh tình trạng khai thác cá cơm “tận diệt”.  

Bàn cách bảo vệ nguồn lợi cá cơm
Đánh bắt cá cơm ở Phú Quốc. Ảnh: Thanh Hải

Sáng 2/11, tại Phú Quốc (Kiên Giang) Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “bàn giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá cơm vùng biển Tây Nam bộ, góp phần bảo vệ làng nghề và thương hiệu nước mắm truyền thống”. Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cảnh báo, nước mắm cá cơm Tây Nam có nguy cơ vắng bóng trên thị trường nếu không kịp thời chấn chỉnh tình trạng khai thác cá cơm “tận diệt”.

Cá cơm giảm 20-30%

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, những năm qua “cá cơm ít tụ thành đàn như trước đây”. Hồi nào, cá cơm thường đi từng đàn rất lớn ở khu vực quần đảo Phú Quốc, Nam Du và Thổ Chu, nghề lưới vây chỉ bủa lưới bắt, gần như 100% là cá cơm đã trưởng thành, rất tốt để chế biến nước mắm có độ đạm cao.

Sau năm 2000, ngoài tàu của Kiên Giang còn có nhiều tàu nơi khác đến khai thác cá cơm, nên cá cơm ít tụ thành đàn. Ngư dân lưới vây phải chuyển sang khai thác cá cơm có đèn cao áp; một tàu lưới vây kèm 2-3 tàu chong đèn để thu hút cá tụ lại, mới buông lưới. Ngoài ra, còn có khoảng 500 tàu cá từ các tỉnh khác làm nghề pha xúc, dùng đèn cao áp dụ cá tụ lại để xúc hải sản hỗn tạp, cá cơm lẫn cá khác. 

Nghiêm trọng hơn, tình trạng tàu kéo lưới đôi góp phần hủy diệt cá cơm. Tính đến cuối tháng 6/2016, Kiên Giang có 2.720 tàu kéo lưới đôi, khai thác trên 70% lượng hải sản của tỉnh, với cá tạp chiếm 40% và “tỷ lệ cá cơm đáng kể” chỉ để làm phân hoặc chế biến thức ăn gia súc. 

Nguồn cá cơm không còn đủ cho nhu cầu sản xuất nước mắm, nhiều nhà thùng ở Phú Quốc phải giải thể. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Năm 2011-2012, Phú Quốc có 100 hộ sản xuất nước mắm, đầu năm 2016 chỉ còn 56 hộ, giảm 44%. Nước mắm Phú Quốc năm 2011 – 2012 có 25 – 30 triệu lít, hiện nay cá cơm chỉ đáp ứng 50 – 60% nhu cầu nên dự kiến cả năm chỉ đạt khoảng 20
triệu lít.

Còn cả vùng biển Tây Nam bộ, theo Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng và sản lượng khai thác cá cơm đã giảm 20-30% trong chục năm qua. Về trữ lượng cá cơm, từ 172.000 tấn giai đoạn 2004 – 2005, còn 130.000-152.000 tấn ở giai đoạn 2012-2015… “Cường lực khai thác cá cơm của nghề lưới vây đã vượt cường lực khai thác bền vững tối đa”, Viện Nghiên cứu Hải sản kết luận.

Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cảnh báo: “Việc khai thác “tận diệt”, không có chính sách hướng tới duy trì, bảo tồn và khai thác lâu dài dẫn đến kết quả là không còn nguyên liệu để sản xuất. Tất yếu sản phẩm nước mắm cá cơm Tây Nam sẽ vắng bóng trên thị trường”.

Văn hóa Phi vật thể

Thông tin ở hội nghị, cả nước hiện có 2.900 cơ sở sản xuất nước mắm, tổng công suất một năm 215 triệu lít; trong đó, 273 cơ sở có công suất một năm từ 100.000 lít trở lên. Trong số các cơ sở chế biến lớn, vùng Tây Nam bộ chiếm 45,7%. Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, nước mắm truyền thống là một sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhất, trên 2 lần so với nguyên liệu. 

Do đầu tư không lớn, giá nguyên liệu vừa phải, sử dụng lao động ít, chế biến ra sản phẩm ăn liền. Hiện có khoảng 20 cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm để xuất khẩu đi các thị trường EU, Mỹ…Tuy vậy, xuất khẩu còn thấp, chỉ khoảng 4% sản lượng, kim ngạch một năm 10 – 15 triệu USD.

Trong các loại nước mắm truyền thống, nước mắm Phú Quốc làm từ cá cơm là đặc sắc nhất. Nước mắm Phú Quốc được chứng nhận bảo hộ mang chỉ dẫn địa lý ở trong nước từ năm 2001, và tháng 12/2012, EU trao chứng nhận về tên gọi xuất xứ được bảo hộ. Theo đó, tên gọi “nước mắm Phú Quốc” được bảo hộ trên toàn lãnh thổ 28 quốc gia thành viên EU, là sản phẩm đầu tiên ở Đông Nam Á được EU trao chứng nhận này.

Nước mắm Phú Quốc có lợi thế từ loại cá cơm đặc biệt cùng điều kiện khí hậu nắng gió, nguồn nước và bí quyết công nghệ trên 200 năm.

Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, để nước mắm cá cơm thoát khỏi nguy cơ vắng bóng trên thị trường, phải giảm áp lực khai thác đối với cá cơm. Cần chính sách khai thác, bảo tồn nguồn lợi cá cơm vùng Tây Nam bộ ngay từ bây giờ (qui định sản lượng, mùa vụ và nghề đánh bắt cá cơm). 

Loại bỏ những nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng đến môi trường sống của cá cơm. Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối đề xuất, đưa “Nghề sản xuất nước mắm truyền thống” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để bảo tồn và
phát triển.  

Thách thức lớn hiện nay do các lợi thế về điều kiện sản xuất tự nhiên thay đổi: Nguồn nguyên liệu cá cơm giảm về số lượng và chất lượng dẫn đến sản lượng và chất lượng nước mắm giảm. Nguyên nhân chính, đánh bắt cá cơm và sản xuất nước mắm chạy theo số lượng, truyền thông kém.

Thanh Hải (TPO)

Bình luận (0)