Liên quan đến việc tỉnh Quảng Nam cho bán hơn 857.000 m3 cát “tận thu” từ 3 dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn ở Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, nhiều ý kiến tiếp tục ủng hộ dự trữ cát vì cho rằng bán tài nguyên thu ngân sách chính là “ăn vào tương lai”.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỏ thái độ không đồng tình về chuyện xúc bán cát ven biển.
“Tôi không đề cập về mặt kỹ thuật của chủ đầu tư 3 tuyến đường cứu nạn, cứu hộ, nhưng nói một cách đơn giản là tất cả các vệt cát ven biển cần được dự trữ. Còn mang ra bán để thu ngân sách, khoản này không ai bỏ túi riêng nhưng đây chính là hành động “ăn vào tương lai”. Anh hỗn xược với tự nhiên, tất sẽ trả giá đắt”, ông Sự nói.
Trên thực tế, Hội An đã có bài học nhãn tiền từ biển Cửa Đại, khi tình trạng xói lở diễn ra nghiêm trọng tại khu vực này trong vài năm trở lại đây. Bờ biển lở đi rồi, phải tính chuyện mua cát từ nơi khác đổ vào, chi phí sẽ rất lớn…
Khi thiếu, sẽ trở tay không kịp
Ông Nguyễn Sự cũng chính là người từng phản đối quyết liệt việc nâng – hạ cốt nền tự nhiên khi mở tuyến đường du lịch Đà Nẵng – Hội An hồi năm 2002 (thời điểm đó ông Sự giữ chức vụ Chủ tịch UBND TX.Hội An).
“Ai đi lại trên tuyến đường này, sẽ thấy con đường phía Hội An lên xuống rất nhiều chỗ, độ mấp mô nhiều hơn so với địa phận Điện Bàn. Lúc đó, người ta đòi hạ cốt nền tự nhiên của tuyến đường này, nhưng đến Hội An thì tôi không chịu. Vì thế, bây giờ đoạn từ khu resort The Nam Hải dẫn xuống phía nam, nền đường hầu như nguyên vẹn”, ông Sự nói và nhắc lại năm 2002 khi tiếp nhận phản ứng từ phía chính quyền Hội An, ông Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đã giao trách nhiệm cho một lãnh đạo Sở GTVT phải trực tiếp cùng ông Sự đi kiểm tra chi tiết, ghi rõ từng điểm nào nâng lên, điểm nào hạ xuống.
“Thậm chí, đoạn đường từ khách sạn Hội An kéo vào đến Cửa Đại, dù đơn vị thi công đã chở đất đỏ đắp rất cao cuối cùng vẫn phải hạ xuống 0,5 m”, ông Sự kể và đề xuất: “Làm đường xong, thấy thừa ra sao không giữ lại để làm kè biển hoặc bổ sung cho các vùng thấp trũng ven biển? Đến khi thiếu cát, cần đến cát mà hụt mất nguồn dự trữ thì sẽ trở tay không kịp”.
Đã có chuyên gia so sánh cảnh quan ven biển nhiều nơi khác nhau để đưa ra cảnh báo: Lịch sử hình thành các cồn, nổng (gò) cát ven biển miền Trung là “có lý do của tự nhiên”, nhất là chức năng chắn gió, ngăn xói lở.
“Phải tôn trọng tự nhiên, con người không nên tác động quá nhiều. Cần giữ những chỗ cao ở dọc biển để phát huy chức năng chắn sóng, và giữ những chỗ thấp để tạo khả năng thoát nước ở khu dân cư. Chứ không nên cào bằng”, chuyên gia này nói.
Nên dùng cát bồi bổ bờ biển
Ở góc độ quản lý địa bàn, nơi đang tạm trữ lượng lớn cát thừa, ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND H.Thăng Bình, cho biết sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo kiểm soát tình trạng trộm cát, địa phương đã liên tục kiểm tra và tình hình tạm lắng. Lực lượng liên ngành của huyện cũng vừa bắt giữ 5 xe ô tô trộm cát. Tuy nhiên, ông Cường tỏ ý lo ngại khi có thông tin bán đấu giá cát thừa, chưa rõ đơn vị thắng thầu sẽ phối hợp như thế nào với địa phương, và nhiều khả năng “cát tặc” sẽ lợi dụng xúc cát trộm trở lại.
Ý kiến của nhiều chuyên gia cần được quan tâm là, số cát đã “lỡ” khoét để làm đường nên dùng để bồi bổ những phần trũng trên dải cát ven biển Quảng Nam. Tuyệt đối không nên bán!
Hứa Xuyên Huỳnh (TNO)
Bình luận (0)