Tòa soạnThư đi – tin lại

Bạn đọc viết: Nỗi buồn khi đi làm từ thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Một nhóm làm công tác từ thiện tại cơ sở khiếm thị Huynh Đệ Như Nghĩa

Công tác từ thiện là một trong những hoạt động được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trường học thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, “hậu trường” của các chuyến đi là những băn khoăn mà không phải ai trong cuộc cũng cảm thấy dễ chịu.
Cần tiền chứ không cần quà!
Tôi có một anh bạn rất tích cực trong việc hô hào, tổ chức cho mọi người tham gia công tác từ thiện. Mỗi lần tổ chức, không chỉ người trong cơ quan anh mà còn rất nhiều người thuộc thành phần ngoài cũng được mời tham gia. Địa điểm lui tới của nhóm thường là những mái ấm, nhà mở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, người già neo đơn, cơ nhỡ. Mỗi lần tổ chức, nhóm anh đều thăm dò tình hình, đặc điểm từng khu vực rồi mới quyên góp, đi gõ cửa nhà người quen hay vài công ty để xin đồ làm từ thiện. Đi nhiều nơi, đến nhiều vùng nhưng rồi điều mà anh kết luận là không phải đơn vị nào cũng trân trọng những vật dụng mà họ mang tới. Anh kể: Có lần đi làm từ thiện ở địa bàn nọ, vì biết thành phần ở trung tâm đó là trẻ bại liệt, không di chuyển được nên đoàn đã chủ động mua thật nhiều bỉm, tã lót, quần áo cũ để mang đến cho trung tâm. Ngày đi, anh và những người trong đoàn rất hồ hởi bởi sáng kiến của đoàn. Nhưng trái với mong đợi của họ, những người trong trung tâm nhận quà với thái độ chẳng mấy vui vẻ, tiếp chuyện cũng chỉ qua quýt, thậm chí là bỏ mặc đoàn tự chơi, tự chăm lũ trẻ. Lúc sắp về, giám đốc của trung tâm gặp riêng anh, nhắc khéo: “Những thứ tụi em mang tới, chỗ chị nhiều lắm rồi. Lần khác đừng mang nữa nghe!”. Anh bạn tôi chột dạ, hỏi lại: “Vậy chị xem còn thiếu gì, lần tới tụi em mang lên” thì bà giám đốc trả lời lấp lửng, chẳng nói rõ là thiếu thứ gì.
Rút kinh nghiệm, lần tổ chức sau đó cả nhóm bàn bạc kỹ rồi mới quyết định đem tặng sữa tươi vì các em không thể ăn được đồ cứng, kèm theo đó là tặng thêm nhu yếu phẩm cho nhà bếp. Thế nhưng, thiện chí của nhóm lại bị dập tắt ngay từ khi đặt chân tới trung tâm. Nhiều nhân viên trong trung tâm bỏ mặc nhóm từ thiện chuyền từng thùng sữa từ xe xuống. Một vài người khác tuy cũng có hỏi han nhưng không đủ khỏa lấp khoảng cách lạnh nhạt vốn có ban đầu. Bà giám đốc sau thủ tục tiếp nhận vật phẩm, lại ca “điệp khúc” mà chẳng ai muốn nghe: “Ở đây đồ nhiều lắm rồi”. Rồi bà than vãn chuyện mái hiên hỏng chưa có tiền để sửa, muốn làm cái nọ, cái kia cho các em mà chưa có kinh phí… “Nói lòng vòng một hồi, ai trong đoàn cũng ngầm hiểu ý của bà ấy là lần sau có đi thì nên quyên góp tiền”, anh bạn tôi chua chát kể lại.
Trường học không ngoại lệ
Một trong những hoạt động được nhiều trường học đẩy mạnh nhằm góp phần giáo dục đạo đức, tinh thần tương thân tương ái cho HS chính là đến thăm các mái ấm, nhà mở. Chứng kiến những em bé mồ côi, khuyết tật, các em sẽ tự nhận thấy mình may mắn như thế nào để từ đó phấn đấu nhiều hơn trong học tập và rèn luyện. Thế nhưng, đằng sau những chuyến đi là nỗi buồn mà người trưởng đoàn phải giấu kín vì không nỡ để các em phải lăn tăn suy nghĩ. Anh Nguyễn Hoài Thanh, Trợ lý thanh niên Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: Những cơ sở nhà trường thường tổ chức cho HS đi từ thiện là nhóm trẻ tự phát, mái ấm loanh quanh khu vực nội thành TP.HCM. Quà của các em chủ yếu là quần áo, đồ chơi, những món đồ lưu niệm tự làm bằng tay. Nhìn cách các em nâng niu từng món quà, hòa đồng, tự tay chăm sóc từng em bé mới thấy được tình cảm của những đứa học trò với trẻ có hoàn cảnh kém may mắn. Thế nhưng, trong những chuyến đi này, chính anh cũng nhận được không ít lời than phiền về cơ sở vật chất thiếu thốn, hư hỏng, đồng thời là lời gợi ý quyên góp kinh phí để cải thiện đời sống, chất lượng bữa ăn cho các em tại trung tâm.
Một giáo viên đang công tác tại một trường THCS ở quận Tân Phú thừa nhận: Cô cũng nhận được những lời đề nghị ủng hộ tiền thay cho các món quà, nhu yếu phẩm mà thầy trò trường cô gửi tặng mỗi lần tới thăm. “Tôi nghĩ, quà tặng của HS, giáo viên dù ít dù nhiều cũng là tấm lòng của họ. Người nhận quà nên tiếp nhận với thái độ trân trọng, cởi mở chứ không phải với thái độ “bên trọng bên khinh”. Có thể, những món quà của chúng tôi đã có nhiều nhóm khác mang đến từ trước đó. Nhưng thử nghĩ xem, để có được số tiền nhỏ nhoi dẫn các em HS làm công tác từ thiện, chúng tôi phải vận động các em tiết kiệm, quyên góp từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn nữa, nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác giáo dục, nếu dùng tiền thay cho quà tặng thì làm sao có thể giáo dục được các em cách sử dụng tiền? Làm sao có đồ chơi để các em chơi với trẻ hoặc làm sao hướng dẫn các em tự tay cho trẻ khuyết tật ăn uống? Giữa thời buổi vàng thau lẫn lộn, chúng tôi cũng có quyền đặt câu hỏi rằng: Liệu những đồng tiền của chúng tôi có được sử dụng đúng như mục đích mà cơ sở đề nghị? Và bao nhiêu trong số những “yêu sách” được cơ sở đưa ra là đúng với sự thật?”, giáo viên này bức xúc.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)