Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ban giám hiệu thiên vị?!

Tạp Chí Giáo Dục

GV sẽ làm việc tốt hơn nếu được làm việc trong môi trường thân thiện, đoàn kết (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: H.Triều

1. Tại trường chúng tôi công tác có hai giáo viên (GV) dạy lớp 5 đang xảy ra những mâu thuẫn qua các phong trào thi đua. Cụ thể, nhà trường phát động hội thi “Trang trí trường lớp”, lớp 51 và lớp 53 cùng tiến hành trang trí rất đẹp, nhưng lớp 51 đạt giải nhất, còn lớp 53 đạt giải nhì. GV lớp 53 đùa rằng: “Lớp 51 đạt giải nhưng sản phẩm đó không do tự tay học sinh làm mà phần lớn là nhờ người khác làm. Như vậy không công bằng và có sự thiên vị từ ban giám hiệu”. GV lớp 51 nghe thấy và cảm thấy mình bị xem thường. Từ đó hai GV xảy ra mâu thuẫn với nhau.
2. Sự việc này lúc đầu chỉ có hai GV biết nhưng sau đó lan truyền ra trong khối và ban giám hiệu cũng nghe được. Sau khi nắm bắt tình hình, hiệu trưởng nhà trường đã gặp riêng từng GV để trao đổi xem vấn đề đó xuất phát từ nguyên nhân nào và mỗi GV nhìn nhận vấn đề đó ra sao. Theo đó, GV lớp 51 thì cho rằng thầy đã bị xúc phạm và coi thường khả năng sáng tạo cũng như tinh thần trách nhiệm của mình. Còn GV lớp 53 thì cho rằng mình chỉ nói đùa, những sản phẩm trang trí của lớp 53 là do bản thân học sinh tự làm và điều đó là đúng như quy định của hội thi.
Sau khi gặp riêng hai GV, hiệu trưởng nhận thấy được sự việc và đã mời cả hai thầy cô để giải quyết. Hiệu trưởng đã phân tích cho hai thầy cô thấy được sự khách quan, công bằng của ban giám khảo trong quá trình chấm.
Thứ nhất, ban giám khảo đều ghi nhận sự nỗ lực của hai tập thể, đều cho ra những sản phẩm đẹp. Thứ hai, các sản phẩm trang trí của lớp 51 có phần trội hơn, màu sắc đẹp hơn, kỹ thuật gấp xếp hộp thư đẹp hơn và có thể sử dụng được, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, ban giám khảo cũng ghi nhận được sự nỗ lực, tiến bộ của thầy giáo dạy lớp 51. Vì những năm trước thầy không quan tâm nhiều đến vấn đề này. Thứ ba, sản phẩm của hai lớp đều được giải cao trong hội thi. Vì thế, hiệu trưởng cũng hi vọng GV lớp 53 sẽ hiểu vấn đề và không nên có những lời đùa gây ảnh hưởng đến người khác. Và hiệu trưởng được biết cô giáo dạy lớp 53 cũng hối hận vì đã nói lên lời đùa như thế. Cô đã nhận lỗi và xin lỗi GV dạy lớp 51. Hiệu trưởng hỏi ý kiến của GV dạy lớp 51 và thầy cũng vui vẻ, giải tỏa những gút mắc trong lòng. Cả hai thầy cô bắt tay nhau và đều vui vẻ. Sự việc đã được giải quyết và không còn mâu thuẫn nữa.
3. Từ tình huống đó chúng tôi nhận thấy yếu tố tinh thần có ảnh hưởng mạnh đối với năng suất của lao động. Theo học thuyết của Elton W.Mayor, ông cho rằng sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý của con người như muốn được người khác quan tâm, kính trọng; muốn có vai trò quan trọng trong sự nghiệp chung; muốn làm việc trong bầu không khí thân thiện giữa các đồng sự… có ảnh hưởng lớn đến năng suất và thành quả lao động của con người. Họ không phải là những con người thụ động, thích được chỉ huy, thích được giao việc cụ thể. Trái lại, họ sẽ làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn, phát huy sáng kiến nhiều hơn, nếu được đối xử như những con người trưởng thành, được tự chủ động trong công việc. Ngoài ra, nhà quản lý phải cải thiện các mối quan hệ giữa con người với con người trong tổ chức, từ mối quan hệ giữa thủ trưởng với nhân viên, đến mối quan hệ giữa các đồng sự ngang hàng, vì con người sẽ làm việc tốt hơn trong một môi trường quan hệ thân thiện.
Như vậy, người quản lý cần quan tâm nhiều đến mối quan hệ giữa các GV trong môi trường làm việc. Nếu sự việc trên không được quan tâm giải quyết thì rõ ràng hai GV đó sẽ không còn muốn phấn đấu trong các phong trào thi đua nữa. Vì họ cho rằng sáng kiến của mình không được tôn trọng và ghi nhận. Đồng thời không được sự quan tâm của người khác. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa đồng nghiệp cũng bị ảnh hưởng nên tâm lý thi đua sẽ không còn.
Tóm lại, con người sẽ làm việc tốt hơn nếu đạt được sự thỏa mãn cá nhân, nếu được quan tâm, tôn trọng và làm việc trong một môi trường thân thiện, đoàn kết.
Huỳnh Thị Thiện Hóa – Nghiêm Ý

Bình luận (0)