Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bàn giao bài thi xa 350km!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21-5, Bộ GD-ĐT họp trực tuyến với 63 sở GD-ĐT trên cả nước để giải đáp những thắc mắc và hướng dẫn liên quan đến các khâu chuẩn bị tổ chức thi, chấm thi. Nhiều ý kiến tập trung vào việc chấm chéo.

Giám thị kiểm tra phiếu báo dự thi trước khi thí sinh vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã xây dựng xong dự thảo phương án chấm chéo bài thi tốt nghiệp THPT 2009 gửi các sở GD-ĐT xin ý kiến.
Hạn chế di chuyển bài thi
Theo đó, những đơn vị phải bàn giao bài thi có khoảng cách xa nhất là 300-350km như Hậu Giang – Bạc Liêu, Gia Lai – Khánh Hòa, Khánh Hòa – Kontum, Nghệ An – Hà Nội… Các đơn vị phải chấm cho nhiều tỉnh là Hà Nội chấm cho bốn tỉnh, với số lượng thí sinh gần 90.000, TP.HCM chấm cho năm tỉnh với lượng thí sinh trên 63.000, Đắc Lắc chấm cho ba tỉnh với gần 25.000 thí sinh. Một số tỉnh khác như Sơn La, Phú Yên, Thanh Hóa cũng phải chấm cho nhiều tỉnh. Ngược lại, phải 2-3 tỉnh mới đảm đương được việc chấm thi cho Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sơn La, Lâm Đồng…
Đại diện cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT khẳng định dự thảo trên đã giải quyết được khá tốt những yêu cầu đặt ra: hạn chế di chuyển bài thi trên quãng đường quá xa, lượng bài chuyển giao tương ứng với lực lượng chấm thi.
Tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn băn khoăn: có những nơi như TP.HCM phải chấm thi cho năm tỉnh và bài thi của thí sinh TP.HCM cũng bị “xé lẻ” ra cho ba tỉnh khác chấm. Như vậy, nếu hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT không chi tiết, rõ ràng, sẽ dễ dẫn đến việc thiếu công bằng cho thí sinh.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết barem chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay được chi tiết đến 0,25 điểm (giống như barem chấm thi đại học) là một điểm mới, nhằm giải tỏa lo lắng và đảm bảo công bằng cho thí sinh trong chấm chéo. Bên cạnh đó sẽ có những quy định khác nhằm kiểm soát tốt quá trình chấm thi.
Khó kiểm soát việc làm phần thi riêng
Nhiều đại diện Sở GD-ĐT thắc mắc làm thế nào để kiểm soát được thí sinh làm đúng phần riêng nằm trong chương trình được học, cả đối với bài thi trắc nghiệm và tự luận. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết phần mềm chấm thi của Bộ GD-ĐT không cho phép phân loại được thí sinh làm phần riêng của chương trình nào nên sẽ khó khăn cho việc chấm thi trắc nghiệm. Đây là băn khoăn của nhiều sở GD-ĐT khác như An Giang, Kiên Giang, Ninh Bình…
Theo nhiều ý kiến, chỉ nên quy định “thí sinh làm một trong hai phần riêng, nếu làm cả hai phần sẽ không được chấm”. Còn việc thí sinh học chương trình này nhưng làm phần riêng của chương trình kia cũng có thể được chấp nhận chấm điểm bình thường. Vì nếu quy định rõ “thí sinh học chương trình nào, làm phần riêng của chương trình đó” sẽ không khả thi vì thực tế không thể kiểm soát, phân loại.
Về việc này, ông Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – lưu ý Bộ GD-ĐT sẽ không yêu cầu các sở chấm thi kiểm soát việc thí sinh có làm đúng phần riêng phù hợp với chương trình được học hay không. Mặc dù về kỹ thuật việc này hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở phải khuyến cáo thí sinh từ khi ôn thi cần xác định và lựa chọn phần kiến thức phù hợp với chương trình được học. Khi làm bài thi cũng nên lựa chọn làm một phần riêng phù hợp với những gì được học và ôn tập kỹ. Nếu làm trái, chính thí sinh sẽ bị thiệt thòi. Bộ GD-ĐT quy định “học chương trình nào, thi theo chương trình đó” chỉ nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)
Theo Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đến ngày 25-5 Bộ GD-ĐT sẽ rà soát và soạn thảo các văn bản hướng dẫn liên quan đến kỳ thi, giải đáp tất cả thắc mắc của các đơn vị, chuẩn bị phương án dự phòng, phương án phối hợp với các lực lượng xã hội trong việc tổ chức tốt kỳ thi.

 

Bình luận (0)