Một cửa hàng ăn di động trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 phục vụ khách hàng là công nhân xây dựng ở các công trình trên khu vực |
Chiếc xe gắn máy chở một thùng đá tinh khiết, vài chai cà phê, một nồi xôi, giỏ bánh mì cộng với ít nguyên liệu làm sẵn, đó là những cửa hàng cà phê, hàng ăn sáng di động…
Dịch vụ “tận răng”
Cà phê di động xuất hiện mới đây ở các công trình xây dựng thuộc vùng ven TP.HCM. Thượng đế của loại hình cà phê này đa phần là lao động phổ thông. Với người bán, cà phê di động rất tiện lợi, không cần phải bày biện bàn ghế, không chậu nước rửa ly cũng chẳng cần đến người dọn dẹp. Còn đối với người uống vừa không mất thời gian ngồi đồng lại được phục vụ tận nơi với giá cả hợp túi tiền.
6 giờ 35 sáng, tôi đến công trình xây dựng nhà cao tầng ở khu Nam Sài Gòn. Bên kia đường là hai gian hàng cà phê di động đông nghịt khách đang đợi đến lượt mình mua cà phê. Một vị khách tuổi trung niên có thể vì đợi quá lâu mà chưa có cà phê, anh ta nói lớn: “Cho tôi hai chiếc”. Vừa nói anh vừa cầm tờ tiền mệnh giá 10 ngàn đồng giơ cao ra hiệu với người bán. Tôi tò mò tại sao anh ta gọi “hai chiếc” khi mua cà phê. Tôi quay sang một khách hàng đang nhâm nhi cà phê hỏi thì được biết: “Hai chiếc ý nói vui, hiểu nôm na là hai ly”. Người bán hàng đưa cà phê cho khách, không quên nhắc nhở: “Hôm trước anh còn thiếu hai chiếc, có trả luôn không?”. “Cho thiếu lại đi, còn ít tiền trưa nay ăn cơm thôi” – người khách trả lời.
Theo quan sát của tôi, tại khu Nam này có ít nhất 5 hàng cà phê di động. Mỗi gian hàng đều có mối riêng. Có người sáng ra đến nơi mua cà phê cũng có người ngồi trong công trình nhá máy hoặc nhắn tin thì cà phê được mang vào tận nơi. Chị Hồng (bến Ba Đình, quận 8), chủ gian hàng cà phê di động cho biết: “Mỗi ngày tôi bán không dưới 50 ly, giá mỗi ly cà phê chỉ có 5 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí xăng xe cộ, tiền vốn cà phê thì tiền lãi thu được cũng không dưới 70 ngàn đồng. Buôn bán thế này khỏe lắm, không tốn kém gì hơn nữa lại sạch sẽ, không lấn chiếm lòng lề đường”.
Ngoài cà phê di động còn có dịch vụ hàng ăn sáng di động cũng được người lao động ưa chuộng. Mỗi hàng ăn sáng di động bán một món khác nhau nhưng các món ăn thường rất gọn nhẹ như xôi, bánh ướt, bánh mì… Sở dĩ không có các món nước như hủ tiếu, phở vì theo anh Nguyễn Văn Kiên (chủ hàng bánh mì di động mới vào nghề hôm tháng 9-2009), các món này làm rất cực, đã vậy còn nặng vốn, bán giá cao, người lao động không ăn nổi. Cũng giống như các chủ gian hàng cà phê, hàng ăn sáng di động, anh Kiên trước đây cũng là thợ hồ mới chuyển nghề. Lúc thưa khách, mời tôi ly cà phê, anh Kiên tâm sự: “Cũng nhờ lâu nay tằn tiện mua được chiếc Dream Trung Quốc mà nay có phương tiện làm ăn. Coi vậy chứ bán hàng ăn sáng thế này “một vốn bốn lời” đó chú em”.
Nghề nhàn hạ, lãi to
Nhờ thời gian anh Kiên làm việc ở công trình này, quen biết nhiều người với lại họ thương anh sức khỏe yếu nên thường xuyên ủng hộ. Anh Kiên nói như khoe: “Khách của tôi không dưới 50 người, mỗi sáng trong nửa số ấy mua hàng thì tôi cũng có chút đỉnh tiền lời”.
Giã từ những tháng ngày khổ cực bán hàng ăn, cà phê, nước giải khát ở lề đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, vợ chồng anh Cao Xuân Tính (quận 8) chuyển sang bán hàng bằng xe gắn máy. Anh Tính bán hàng ăn sáng, còn chị Dung vợ anh thì theo hàng nước, cà phê. “Hồi trước ngồi lề đường mưa gió khổ lắm, bây giờ được ông trời thương, mua may bán đắt, mỗi tháng cả hai người bán cũng kiếm được từ 4 đến 4 triệu rưỡi đồng tiền lời” – Anh Tính tâm sự. Tranh thủ buổi chiều, khi các hàng di động khác nghỉ, vợ chồng anh Tính lại lấn sân (sang địa bàn khác) bán cà phê. Anh Tính nói: “Còn trống buổi chiều, nằm nhà không thì phí quá, có hôm bán chỉ 2-3 tiếng đồng hồ buổi chiều mà kiếm cũng được từ 40 đến 50 ngàn đồng”.
Chuyện bán hàng ăn sáng, cà phê kiểu di động nghe có vẻ thuận buồm xuôi gió lắm nhưng người trong cuộc cũng gặp không ít tai ương. Trị giá gian hàng cà phê hoặc hàng ăn sáng không quá 200 ngàn đồng (chưa kể phương tiện là chiếc xe máy) nhưng số tiền nợ của một khách hàng cũng tròm trèm con số ấy. “Không cho người ta nợ cũng khó mà buôn bán, có tháng phải đổ tiền nhà ra gánh nợ lên đến vài triệu bạc. Thường cuối tuần thợ lĩnh lương mình phải túc trực ở cổng để đòi nợ. Việc đòi nợ cũng phải khéo, không khéo người ta ghét trả thù hoặc sang hàng khác coi như mất mối”. Chị Dung cho hay.
Còn với anh Kiên, anh không sợ bị khách hàng giật nợ vì anh quen tất tần tật các chủ thầu, cai ở các công trình anh lui tới bán hàng. Anh Kiên trình bày bí quyết thu nợ của mình: “Thỉnh thoảng mình mời các chủ thầu ly cà phê hoặc gói thuốc, đến cuối tuần hoặc cuối tháng nhờ mấy ảnh (chủ thầu – PV) trừ tiền nợ vào tiền lương của công nhân. Hiếm khi nào khách không trả, họ coi chỗ làm quan trọng hơn nên thường không nợ dai”. Tuy nhiên, anh Kiên cũng đã có nhiều lần bị người buôn bán như anh “điểm mặt” chỉ vì miếng ăn của họ bị chia năm xẻ bảy.
Bài, ảnh: Tuy An
Bình luận (0)