Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Cần Thơ tổ chức vừa qua, khá nhiều thí sinh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đứng “giữa hai dòng nước”: Em có thế mạnh về toán, về vật lý…, nên chọn học ngành nào để có nhiều cơ hội nghề nghiệp?
Với băn khoăn này, PGS.TS Đỗ Văn Xê (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ) khuyên: “Thời điểm này điều quan trọng nhất là có trúng tuyển vào ĐH hay không? Bởi nếu đăng ký ngành mình yêu thích nhưng khả năng không đậu thì cũng như không. Vì vậy các em dựa vào tổ hợp những môn học là thế mạnh của mình để đăng ký thi. Khi đạt điểm cao rồi, lúc đó mới lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp theo số điểm. Niềm đam mê, sự yêu thích đối với ngành tuy quan trọng nhưng cũng rất cần sự hài hòa giữa sở thích và năng lực. Về cơ hội làm việc: trường ĐH đào tạo ngành, không đào tạo nghề. Nếu bậc trung cấp các em học sửa xe gắn máy hoặc thợ mộc thì các em chỉ làm được 2 nghề này. Với bậc ĐH thì các em có năng lực đáp ứng cho nhiều công việc. Thí dụ: học ngành trồng trọt, ra trường các em vẫn công tác tốt trong lĩnh vực kinh tế, hoặc kinh doanh về các loại cây. Kinh tế Việt Nam đa dạng nên nhu cầu tuyển dụng cũng đa dạng, nhiều ngành có sự đan xen trong chương trình đào tạo. Cơ hội nghề nghiệp sẽ mở rộng nếu các em học thật giỏi. Ra trường các em sẽ không bận tâm có làm đúng nghề không? Làm ở đâu? Mà là lương bao nhiêu? Do vậy, một lần nữa thầy khuyên các em hãy cố gắng học tốt để thi đậu ĐH và học giỏi khi trúng tuyển”.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Tấn Hạ (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), chia sẻ: “Trong tuyển sinh có sự mâu thuẫn giữa sở thích, năng lực và nhu cầu xã hội. Thí dụ: nhiều em thích ngành y trong khi năng lực rất hạn chế. Do đó các em cần xem xét lại để lựa chọn ngành học theo đúng năng lực, vì sở thích có thể thay đổi theo từng thời điểm. Nếu không biết lượng sức mình thì sẽ khó thành công”.
Đ.Phượng
Bình luận (0)