Bộ GD-ĐT vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi cho bản dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020. Một trong hai giải pháp được xem mang tính đột phá trong dự thảo lần này là giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
> Góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020: Tìm “chìa khóa” thay vì “đục tường”
> Chiến lược giáo dục: Số liệu đánh giá không rõ ràng
Theo đó, các trường sẽ tiến tới việc ký hợp đồng giáo viên thay cho biên chế, hiệu trưởng quyết định mức lương giáo viên, giảng viên dựa trên kết quả công tác của từng cá nhân…
Việc tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng với những ràng buộc nhất định về năng lực sẽ là động lực để giáo viên phấn đấu trau dồi kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, là yếu tố cạnh tranh nếu giáo viên không muốn tự đào thải mình. Đặc biệt giải pháp này sẽ góp phần “giải phóng” giáo viên khỏi các công việc nặng tính hành chính. Tuy vậy, giải pháp được xem là đột phá nói trên của Bộ GD-ĐT không thể không làm tôi băn khoăn.
Trước hết, tuyển dụng giáo viên theo chế độ hợp đồng sẽ đặt nhiều giáo viên vào tâm thế chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, mà ít đặt hết tâm huyết vào việc giảng dạy và sự quan tâm nhất định đến học sinh – tố chất cần thiết và cơ bản của người thầy. Việc các giáo viên cùng lúc ký hợp đồng giảng dạy nhiều trường dẫn đến tình trạng chạy sô, cháy giáo án là khả năng khó tránh khỏi và thực tế đã xảy ra.
Thứ hai, việc ký hợp đồng giảng dạy thay cho biên chế sẽ đặt nhà trường vào tâm thế … thụ động. Khả năng các giáo viên “làm giá”, thậm chí đặt ra không ít yêu sách là điều không thể không quan tâm. Dù chế tài về tài chính là giải pháp được nghĩ đến, song chắc chắn việc chấm dứt hợp đồng như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh, làm gián đoạn chương trình giảng dạy, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của nhà trường.
Cuối cùng, tuyển dụng giáo viên theo chế độ hợp đồng bên cạnh “khoán trắng” việc giảng dạy, đánh giá kết quả học tập cho giáo viên… dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực nhất định. Tương tự, việc hiệu trưởng tự quyết định mức lương khác nhau cho giáo viên dựa trên kết quả công tác, cụ thể là năng lực giáo viên, dễ dẫn đến việc đánh giá mang tính cảm tính.
KTS LÊ CÔNG SĨ (thỉnh giảng, Đại học Trà Vinh)
Theo TTO
Bình luận (0)