Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Băn khoăn về điều lệ trường tiểu học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi dựa trên mô hình trường học mới (VNEN) và cách đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30 cho năm học 2015-2016.

Gọi chủ tịch, phó chủ tịch: Liệu có phù hợp?

Điều lệ quy định lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể lớp bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Trong lớp chia thành các tổ, ban hay nhóm học sinh. Mỗi tổ, ban hay nhóm có tổ trưởng – tổ phó, trưởng ban – phó ban, nhóm trưởng – thư ký do học sinh trong tổ, ban hay nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên. Cô Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 (TP.HCM), chia sẻ: Xét về tính chất luân phiên công việc “lãnh đạo” lớp, nhóm, tổ dành cho học sinh khá hay. Bởi mỗi em đều được giữ vai trò lãnh đạo. Theo đó, các em sẽ rèn luyện được tính mạnh dạn, tự tin, đề cao vai trò trách nhiệm công việc của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng các từ ngữ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản hoàn toàn không phù hợp trong môi trường giáo dục, đặc biệt là môi trường giáo dục tiểu học.

Cô Thu cho biết: “Hiểu đúng các từ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản thì đó là một cách điều hành, bao hàm chức vụ, địa vị mang tính xã hội, tạo cho học sinh ngay từ nhỏ đã có suy nghĩ đang giữ một chức vụ to lớn, dữ dội và bắt buộc các em phải xử lý mọi việc. Trong khi đó, các từ lớp trưởng, lớp phó được sử dụng từ xưa đến nay đã quá quen thuộc, gần gũi, thân thiện đối với các em. Và lớp trưởng, lớp phó còn thể hiện sự tương tác, hỗ trợ trong học tập. Chưa kể các từ ngữ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng còn có thể hình thành tư tưởng chạy chức, chạy quyền khi các em lớn lên. Thiết nghĩ ở lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là môi trường giáo dục, chúng ta nên dùng những từ ngữ phù hợp, mang tính định hướng giáo dục, không ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư tưởng học sinh”.

Theo dự thảo điều lệ trường tiểu học mới Bộ GD-ĐT vừa công bố, trong lớp học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do học sinh bầu

Ngoài điểm mới về hoạt động trong lớp học, điều lệ cũng đưa ra nhiều điểm mới về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh. Theo đó, học sinh có tiến bộ vượt bậc, có thành tích nổi bật trong học tập, rèn luyện được nhà trường khen thưởng trước lớp, trước toàn trường, tặng giấy khen. Đặc biệt, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên các em trước cả lớp. Tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên nên nhắc nhở, hỗ trợ trực tiếp để các em tiến bộ hơn. Qua đó thông báo với gia đình giúp các em khắc phục khuyết điểm…

Nên có sự điều chỉnh thêm

Một trong những điểm thể hiện trong điều lệ được lãnh đạo các trường hết sức quan tâm đó là giữ nguyên yêu cầu đối với hiệu trưởng phải tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết/tuần. Theo các thầy cô, yêu cầu này không phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của hiệu trưởng.

Để hoàn thiện những điểm sửa đổi mới cho điều lệ, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT góp ý; các góp ý gửi về bộ trước ngày 25-7.

Cô Đ., Hiệu trưởng một trường tiểu học tại một quận trung tâm TP.HCM, cho rằng vai trò chính của hiệu trưởng là quản lý, lãnh đạo cả về chuyên môn lẫn mọi hoạt động trong trường. Do đó công việc không ít và thường xuyên phải tham gia các cuộc họp cố định lẫn đột xuất. Nếu tham gia giảng dạy 2 tiết/tuần có nghĩa là bắt buộc hiệu trưởng phải thực hiện theo thời khóa biểu cố định, gây ra nhiều khó khăn. Chưa kể một trường có rất nhiều lớp, hiệu trưởng phải lựa chọn lớp nào để dạy?

“Bộ GD-ĐT yêu cầu dạy cũng chỉ để hiệu trưởng nắm bắt tình hình học sinh và không quên chuyên môn. Trên thực tế, hiệu trưởng thường xuyên dự giờ các tiết dạy học, các tiết chuyên đề, qua đó đã nắm bắt được chuyên môn dạy học, tình hình học sinh rồi. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên xem xét thay 2 tiết dạy bằng 2 tiết sinh hoạt tập thể thì phù hợp hơn. Bởi hiệu trưởng có thể linh động tổ chức sinh hoạt vào các ngày trong tuần, không gò bó thời gian mà vẫn nắm bắt được mọi hoạt động dạy học của nhà trường lẫn tình hình học sinh”, cô Đ. kiến nghị.

Về vấn đề này, cô Võ Ngọc Thu cũng nhận định, khi đưa ra bất kỳ yêu cầu nào, chúng ta nên xem xét khía cạnh thực thi có đồng bộ và hiệu quả hay không. Nếu lên lịch dạy cố định 2 tiết/tuần, nhưng chẳng may hiệu trưởng bận họp đột xuất thì ai sẽ dạy thay thế? Vô hình trung hiệu trưởng lại là người bỏ tiết. Còn nếu tham gia giảng dạy, bắt buộc hiệu trưởng cũng phải soạn giáo án, nhưng ai sẽ là người đứng ra kiểm tra giáo án cho hiệu trưởng? Với quy định này chỉ thể hiện tính chất đối phó nhiều hơn. “Nếu có thể, Bộ GD-ĐT nên quy định thành các tiết dự giờ, sinh hoạt dưới cờ thì hay hơn. Thông qua các hoạt động này, hiệu trưởng nhà trường vẫn nắm bắt mọi hoạt động chuyên môn”, cô Võ Ngọc Thu cho hay.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Giáo viên không được uống rượu, bia, hút thuốc lá trong trường học

Điều lệ sửa đổi quy định các hành vi giáo viên không được làm, gồm: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp; xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước; dạy sai nội dung, kiến thức; cố ý đánh giá sai chất lượng giáo dục của học sinh; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; uống rượu, bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường, sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp… 

 

Bình luận (0)