Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Băn khoăn việc áp giá sàn vé máy bay

Tạp Chí Giáo Dục

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa đề xuất Bộ GTVT áp dụng chính sách giá sàn vé máy bay phổ thông nội địa bằng 20% mức giá tối đa trong 12 tháng, từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-10-2022. 
Với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế – xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác, mức giá tối thiểu 340.000 đồng, tối đa 1,7 triệu đồng. Đường bay 500 – 850km trở lên, mức giá tối thiểu 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối thiểu 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu 750.000 đồng, tối đa 3,75 triệu đồng.
Như vậy, giá vé máy bay loại rẻ nhất sẽ là 320.000 đồng vé/chiều, thay vì mức giá 0 đồng như trước đây. Cục HKVN giải thích, việc áp dụng giá sàn là biện pháp mang tính thời điểm, nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Hãng hàng không quốc gia – Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ. Cũng theo Cục HKVN, thời gian áp dụng giá sàn chỉ kéo dài trong 12 tháng, sau đó, giá vé máy bay nội địa vẫn được quản lý theo cơ chế thị trường. Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc áp giá sàn vé máy bay vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Thứ nhất, khoảng thời gian từ 1-11-2021 đến hết ngày 31-10-2022, theo kịch bản khả quan, dịch có thể đã được kiểm soát với tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao, nhu cầu đi lại sẽ tăng mạnh trở lại. Đây cũng là thời điểm nhiều người dân và doanh nghiệp đã kiệt quệ sau những đợt dịch kéo dài, cần được hỗ trợ để vực dậy. Nếu thực hiện áp giá sàn máy bay thì chi phí đi lại bằng đường hàng không sẽ là một gánh nặng không nhỏ. Bên cạnh đó, mục tiêu kích cầu du lịch nội địa sau dịch cũng sẽ khó đạt được nếu giá vé máy bay kéo theo chi phí tăng cao. 
Thứ hai, giải thích của Cục HKVN về việc áp giá sàn để cứu Vietnam Airlines có thực sự thỏa đáng không, khi mà thị trường đã có tới 5 hãng hàng không đang cùng khai thác. Trong khi các hãng hàng không tư nhân đều sẵn sàng cạnh tranh theo cơ chế thị trường thì tại sao Vietnam Airlines lại cần cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ bằng công cụ giá?
Theo các chuyên gia hàng không, thị trường hàng không Việt Nam đã phát triển đủ mạnh để có thể vận hành với sự cạnh tranh lành mạnh. Các hãng hàng không đều đang tự xoay xở để cứu mình bằng cách tiết giảm chi phí và chuyển đổi sang vận tải hàng hóa, đồng thời, mong muốn có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu áp giá sàn vé máy bay như đề xuất, thì hành khách sẽ mất đi các cơ hội được bay giá rẻ.
MINH DUY (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)