Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bán lẻ nội địa, DN nội chậm chân?

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù liên minh DN bán lẻ nội địa VDA ngừng hoạt động nhưng DN bán lẻ nội địa vẫn còn nhiều đường để tồn tại, phát triển.
Năm 2007, bốn đại gia bán lẻ trong nước gồm Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái hợp tác thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hệ thống Phân phối Việt Nam (VDA). Tuy nhiên, VDA với mục đích liên kết các doanh nghiệp (DN) nội để tạo sức mạnh cạnh tranh, lại phải tạm thời ngưng hoạt động do thiếu vốn.
DN ngoại đổ bộ, DN nội chậm chân
Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc VDA, khẳng định: “Gần đây các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, chắc chắn DN Việt sẽ bị cạnh tranh khốc liệt. Thế nên VDA ra đời nhằm hướng tới một mô hình liên kết DN bán lẻ nội địa. Đây là mô hình rất lý tưởng tập hợp sức mạnh của các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, thực hiện vai trò chủ đạo đi đầu dẫn dắt, định hướng”.
Tuy nhiên, do mấy năm qua việc thực hiện theo Nghị quyết 11/CP khiến các DN nhà nước thuộc VDA không đầu tư nữa. Bởi lẽ theo Nghị quyết 11, Chính phủ thực hiện siết chặt đầu tư, siết chặt tín dụng, DN nhà nước vì thế cũng kẹt vốn.

Nếu hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá ổn định tại siêu thị sẽ thu hút nhiều người tiêu dùng mua sắ. Ảnh: TÚ UYÊN
Trong khi đó, các DN ngoại tranh nhau đổ bộ vào ở thị trường bán lẻ lấn chiếm thị trường. Mới đây Parkson Việt Nam khai trương trung tâm thứ chín của mình tại TP.HCM. Trong khi đó, FamilyMart sau khi thực hiện kế hoạch mở thêm 20 cửa hàng trong cuối năm 2013, vẫn tiếp tục mở thêm 50 cửa hàng vào năm 2014. Dự tính đến năm 2015, FamilyMart sẽ đạt được 200-300 cửa hàng.
Cũng tấn công vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đầu tháng 1-2014, tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật Bản cũng sẽ khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM. Theo chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng, sự có mặt của AEON giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Đây là lời cảnh báo cho DN bán lẻ Việt phải lưu ý hơn về khả năng cạnh tranh trước những đối thủ ngoại.
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng đến thời điểm này các DN Việt đã chậm chân trong cuộc chiến với DN bán lẻ nước ngoài. Hiện nay kênh bán lẻ hiện đại chiếm 25%, trong khi đó các DN ngoại ồ ạt nhảy vào, kích thích sự dịch chuyển từ mua sắm truyền thống sang hiện đại. Lúc đó các nhà sản xuất nếu không mạnh thương hiệu sẽ không có chỗ đứng.
Bên cạnh đó, nhiều DN Việt còn chậm, thậm chí là rất ít sử dụng các chiến lược chuyển tải thông điệp khác biệt. Chẳng hạn như DN không chịu liên kết với nhà đầu tư bất động sản, thế nên khi họ đi tới những khu dân cư thì thường DN ngoại đã tận dụng.
Rủi ro hay cơ hội?
Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập thương hiệu Pizza Home, “Tôi không mấy tin vào những mô hình như VDA. Mỗi DN bán lẻ ra đời đều có mục đích phát triển riêng, có thị trường trọng tâm riêng. Mô hình như VDA liên kết các DN bán lẻ để đối đầu với các DN bán lẻ ngoại nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, một mô hình liên kết quá nhiều công ty với văn hóa DN khác nhau, mục tiêu khác nhau thì quá khó để tồn tại và phát triển”.
“Việc mô hình VDA hoạt động không hiệu quả không có nghĩa là các DN bán lẻ không hiệu quả. Tôi nghĩ các DN vào VDA là những đơn vị kinh doanh hoàn toàn độc lập. Tôi cũng không tin việc VDA ngưng hoạt động là biểu hiện của DN bán lẻ Việt mất đi sức mạnh” – ông Hoàng Tùng phân tích.
Một chuyên gia marketing cho rằng hiện nay doanh số của các đơn vị bán lẻ tăng lên nhiều là nhờ mở rộng chi nhánh mới. Một số nhà bán lẻ như Co.opmart, Satrafood trong thời gian gần đây liên tiếp mở rộng hệ thống phân phối. Sự nhanh nhạy trong việc tiếp cận người tiêu dùng là giải pháp tốt để tồn tại, phát triển.
Theo một số phân tích, DN Việt có lợi thế vì là DN bản địa, am hiểu hơn về thói quen mua sắm của người dân bản địa hơn. Trong khi các DN nước ngoài phải nghiên cứu thị trường Việt trước khi vào và phải biến đổi mình để đáp ứng khẩu vị bản địa. Thế nên DN nội địa phải lưu ý tận dụng yếu tố sân nhà để rút ngắn quy trình nghiên cứu thị trường, tận dụng và phát động tâm lý hàng Việt cho người Việt.
Nhỏ nhưng có “chiêu” vẫn thắng
Các DN ra đời sau với quy mô nhỏ hơn các ông lớn vẫn phát triển được bởi họ biết tập trung vào sức mạnh cốt lõi của mình. Ví dụ: Walmart là “luôn luôn giá rẻ” đã đánh bại ông lớn Sears. Metro là “bán buôn” và vẫn giữ vững thị trường tại châu Âu trước sự tấn công của Walmart. Trong khi đó, Target với thông điệp “rẻ mà chất”, tuy ra đời sau nhưng vẫn phát triển bên cạnh ông lớn Walmart. Một số mô hình khác có thể học hỏi như Stop’n’Shop với chiến lược “không chỉ tập trung vào thực phẩm nhanh, mở rộng mặt hàng để khách hàng dễ lựa chọn”.
TÚ UYÊN (PLO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)