Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn có thể tồn tại và phát triển trước sức ép cạnh tranh của các ông lớn nước ngoài nếu biết khai thác lợi thế.
Việt Nam liên tiếp bị rớt khỏi nhóm dẫn đầu về sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ. Nhiều công ty nghiên cứu thị trường đưa ra dự báo xu hướng tâm lý người tiêu dùng Việt sẽ thắt chặt chi tiêu. Chỉ số tiêu dùng CPI vài tháng gần đây đều thể hiện sức tăng mua sắm tiêu dùng thấp. Mặc dù vậy, đối với các nhà bán lẻ quốc tế như NUTC FairPrice (Singapore) hay Auchan (Pháp), Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ chưa được khai thác hết tiềm năng.
Tầm nhìn lâu dài
Theo các chuyên gia thương hiệu, sức hấp dẫn khó cưỡng của thị trường Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài là dân số đông với gần 90 triệu người. Trong đó, dân số trẻ chiếm phần đông, dễ thích nghi xu hướng mới, đặc biệt là sản phẩm công nghệ và thói quen mua sắm trong cửa hàng bán lẻ. Đây là đối tượng khách hàng tập trung của các chuỗi bán lẻ.
Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng còn cho rằng sức cạnh tranh chưa cao cũng là lý do các đại gia bán lẻ thế giới muốn nhảy vào. Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam mới chỉ có sự xuất hiện của hai nhãn hiệu bán lẻ toàn cầu là Metro và Big C.
Ông Tan Kian Chew, Tổng Giám đốc Tập đoàn NUTC FairPrice, cho biết do tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đang chậm lại nên việc đầu tư cần có tầm nhìn lâu dài. “Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của thị trường này và bằng chứng là sự hợp tác với Saigon Co.op hiện nay” – ông nhấn mạnh. Theo đó, vào ngày 17-5 tới, đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraplus doNUTC FairPrice hợp tác đầu tư với Saigon Co.op sẽ đi vào hoạt động tại TP.HCM.
Được đánh giá là đối thủ ngang ngửa với Walmart (Mỹ) và Carrefour (Pháp), sau một thời gian tìm hiểu, mới đây tập đoàn bán lẻ Auchan tuyên bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới. Như vậy, sau Casino đang sở hữu thương hiệu Big C, đây có thể là tập đoàn bán lẻ thứ hai của Pháp có mặt tại Việt Nam.
Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật cũng dự định khai trương một trung tâm mua sắm tại Việt Nam vào năm 2014, sau đó sẽ thêm 20 trung tâm nữa.
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng nhận xét do kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 20%, đồng thời đang có sự chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại nên miếng bánh thị phần còn quá lớn. Dù sức mua có chậm nhưng đây vẫn là thị trường béo bở, là mỏ vàng mà nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài muốn nhảy vào.
Sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho các nhà bán lẻ nội địa, thúc đẩy họ tự thay đổi để cùng tồn tại và phát triển. Ảnh: TÚ UYÊN
Bán lẻ nội có bị lép vế?
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, sự xuất hiện của các DN nước ngoài thường đi kèm tiềm lực tài chính mạnh, mạng lưới phân phối chuyên nghiệp và bề dày kinh nghiệm. DN bán lẻ Việt Nam vẫn đang hạn chế những điều đó. Ví dụ như với mặt bằng bán lẻ giá cao, thường chiếm đến 55%-60% chi phí, rất khó cho DN Việt Nam mở rộng điểm bán.
Và nếu đối đầu trực diện với các đại gia bán lẻ thế giới, chuyên gia Hoàng Tùng cho rằng DN bán lẻ Việt Nam sẽ không có nhiều cơ hội thắng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các đại gia cũng là người thắng cuộc tại thị trường nước ngoài. Đơn cử là Walmart và Carrefour, hai tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, đã “gục ngã” tại Hàn Quốc do sự khác biệt về thói quen mua sắm của người dân bản địa. Còn tại Đức, Walmart với khẩu hiệu “Giá rẻ mỗi ngày” không thể cạnh tranh lại Metro.
Do đó, một số chuyên gia nhận định DN bán lẻ bản địa vẫn có sức mạnh riêng, quan trọng là có biết phát huy hay không.
Theo chuyên gia Hoàng Tùng, điểm mạnh của DN bán lẻ Việt là sự am hiểu thói quen tiêu dùng của người dân. Với quy mô nhỏ hơn và bộ máy quản trị tinh gọn, DN Việt có thể có những quyết sách linh hoạt hơn đối với biến chuyển của thị trường. Những điểm mạnh này đã được Lotte thực hiện thành công tại Hàn Quốc hay NUTC FairPrice đã làm tại Singapore.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại được chuyên gia Đoàn Đình Hoàng cho rằng sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho các nhà bán lẻ nội địa, thúc đẩy họ tự thay đổi để cùng tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, việc liên doanh với NUTC FairPrice sẽ phần nào giúp Saigon Co.op nắm giữ và mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.
Rõ ràng, giải pháp nào để không bị giành mất thị phần tại sân nhà chính là chiến lược mà các nhà bán lẻ nội địa cần cân nhắc rất kỹ.
cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài
Một vấn đề đáng lưu ý theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op, là sự ra đời của liên doanh Saigon Co.op và NUTC FairPrice còn mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Singapore, thông qua hệ thống của NUTC FairPrice.
Theo đó, NUTC FairPrice sẽ cung cấp dữ liệu về các mặt hàng nào đang kinh doanh tốt tại Singapore, nhu cầu ra sao, quy cách như thế nào là phù hợp… Như vậy, cái lợi của DN sản xuất hàng hóa là vừa kết hợp bán được hàng trong nước, vừa xuất khẩu qua kênh chính thức và an toàn.
Mô hình của tập đoàn bán lẻ Auchan cũng theo hướng tương tự. Nghĩa là, Auchan thu mua hàng nội địa của quốc gia đó và phân phối tại hệ thống của mình ở nước ngoài, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất của nước được đầu tư.
Ông Tan Kian Chew cho biết người dân Singapore rất quan tâm đến sức khỏe nên các loại trái cây như xoài, bưởi, thanh long… rất có tiềm năng xuất khẩu sang nước này. Dự kiến trong năm nay, Saigon Co.op sẽ xuất thử nghiệm vài container mít sấy, chuối sấy… sang Singapore.
Hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam có sự tham gia của 21 DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài với tốc độ mở rộng thị phần rất nhanh. Tính đến cuối năm 2012, trên cả nước có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Mô hình bán lẻ hiện đại mới chỉ ở mức 20%, thấp hơn so với một số nước như Trung Quốc 64%, Malaysia 53%, Thái Lan 46%… Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỉ lệ này lên 45%.
|
TÚ UYÊN (PL)
Bình luận (0)