Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang đi giữa thời kỳ giông tố, chúng ta không thể chờ bão tố qua đi mà phải học cách "khiêu vũ" trong mưa bão…
Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã tròn 17 tuổi kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy ngày 13-10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam (năm 2004). Sau 17 năm chính thức được gọi tên, đội ngũ doanh nhân Việt đang phải đối mặt với một thời kỳ có thể nói là khó khăn, gian nan nhất bởi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để và những biện pháp giãn cách xã hội đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Kiên cường bám trụ
Tăng trưởng GDP quý III âm 6,17%, mức âm sâu nhất trong lịch sử kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý. Trên 94% doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng của đại dịch, trên 1 vạn DN phải rời khỏi thị trường mỗi tháng và lần đầu tiên số lượng DN rút lui lớn hơn số thành lập mới… Điểm lại vài nét của nền kinh tế trong quý III như thế để thấy mức độ khó khăn mà mỗi DN, doanh nhân đều phải đối mặt.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ hơn 40 đại biểu đại diện cho hơn 10.000 doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vào sáng 12-10, tại TP HCM
Những ngày đầu tháng 10 năm nay được coi là dấu mốc quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi dịch Covid-19 bước đầu được khống chế; TP HCM và các tỉnh, thành tái mở cửa trên tinh thần chung sống an toàn với dịch. Cuộc chiến chống dịch căng thẳng ra sao thì con đường hồi phục kinh tế cũng gian nan như vậy.
Chúng ta kỳ vọng sản xuất lưu thông sẽ là cơ hội để phục hồi nhưng dòng người lao động hồi hương với quy mô lớn đã gây ra bộn bề khó khăn cho DN thuộc nhiều ngành sản xuất. Nếu như chỉ cần 3-6 tháng là DN có thể nối lại chuỗi vật tư, nguyên liệu thì việc nối lại chuỗi lao động cần 6-12 tháng, thậm chí nhiều thời gian hơn nữa. Nỗi gian truân đè nặng lên vai của người điều hành DN.
Khó chồng khó song DN, doanh nhân đều nhận thức được việc cần phải điều chỉnh hoạt động sản xuất – kinh doanh để sống chung với Covid-19 bởi dịch có thể sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống bên cạnh nhiều thách thức khác đến từ biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. DN, doanh nhân cũng nhận thức rõ chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và năng lực cạnh tranh cốt lõi trong vòng quay đó chính là khả năng thích ứng, chống chịu cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác cung ứng hàng hóa, suất ăn phục vụ các khu cách ly tại Co.opXtra Phạm Văn Đồng hồi tháng 8-2021
Tâm thế của cả hệ thống cũng như của mỗi DN, doanh nhân phải là: "Không đợi chờ cơn bão qua đi, phải học "khiêu vũ" dưới mưa để sống chung với bão". Tôi biết có rất nhiều DN trên mọi miền đất nước đã kiên cường bám trụ, sáng tạo, linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần phục hồi.
Nghe doanh nghiệp kể chuyện nhân văn…
Một phần ba thế kỷ qua đi kể từ khi có Luật DN và 17 năm chính thức được gọi tên, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã bước vào làn sóng khởi nghiệp lần thứ 2 gắn với tiến trình hồi sinh trong bối cảnh Covid-19. Nếu làn sóng khởi nghiệp đầu tiên mang ý nghĩa giải phóng sức dân, tạo nhiều việc làm, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo thì làn sóng khởi nghiệp thứ 2 là kỷ nguyên phát huy trí tuệ toàn dân để đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia giàu mạnh. Trong tiến trình này, DN và doanh nhân là lực lượng đứng mũi chịu sào.
Mô hình mà các DN, doanh nhân cần phải định hình chính là số hóa, xanh hóa và xã hội hóa. "Số hóa" là không thể bàn cãi bởi chuyển đổi số tích hợp với các công nghệ khác của cuộc cách mạng 4.0 sẽ giúp DN thông minh, vận hành hiệu quả hơn. "Xanh hóa" góp phần bảo vệ trái đất, thân thiện với môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Nhưng chỉ "số hóa" và "xanh hóa" là chưa đủ để khắc họa chân dung thế hệ DN, doanh nhân thời kỳ mới. Tôi muốn nhấn mạnh đến xu hướng "xã hội hóa", nói cách khác là trách nhiệm phụng sự xã hội của DN. Đã qua thời DN coi lợi nhuận là tối thượng, các nhà kinh doanh hiện nay đặt mục tiêu phụng sự xã hội là đích đến hàng đầu. Chất "xã hội" trong DN đang gia tăng và mô hình "DN xã hội" đang là sự lựa chọn của nhiều người khởi nghiệp. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhân văn, bền vững sẽ là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Thực tiễn cuộc sống trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát kéo theo những biến đổi khôn lường về mọi mặt đã giúp mỗi doanh nhân hiểu rằng tầm vóc DN không còn được đo chủ yếu bằng tiền bạc, thay vào đó là sự nể trọng của xã hội với những nỗ lực cống hiến, dấn thân của họ. Các doanh nhân hàng đầu đã đang kể cho chúng ta những câu chuyện nhân văn chứ không chỉ là những câu chuyện kinh doanh. Rất nhiều DN đã đóng góp công sức và tiền bạc cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 của toàn xã hội qua những chuyến hàng hóa, thiết bị y tế, suất ăn gửi đến tuyến đầu chống dịch; những liều vắc-xin đáng quý…
Nhiều DN chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều DN sẵn sàng bắt tay, hỗ trợ nhau bằng cách trao đổi nguyên vật liệu và hoán đổi giá trị thay vì phải thanh toán tiền mặt. DN, doanh nhân đang ngày càng có trách nhiệm hơn với nhau, với người lao động, với đối tác và với xã hội.
Coi trọng trách nhiệm xã hội
Không thể phủ nhận vai trò của doanh nhân trong thời kỳ trước với những đóng góp quan trọng trong việc đưa đất nước trở thành nước thu nhập trung bình, thành quốc gia có tốc độ phát triển cao. Tuy nhiên, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, Luật DN tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển với ít ràng buộc đã hình thành nên những DN tập trung vào bất động sản, khai thác tài nguyên… mà chưa đề cao chuẩn mực phát triển bền vững. Trong bối cảnh mới, đội ngũ DN không chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn phải coi trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Có như vậy, họ mới có thể trở thành những DN nghĩ lớn, làm lớn cho đất nước.
|
Thanh Nhân (theo NLĐ)
Bình luận (0)