Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ban nhạc sinh viên: Thiếu “đất” dụng võ?

Tạp Chí Giáo Dục

Ban nhạc sinh viên Ngũ Cung đang tập luyện

Hiện nay, các ban nhạc sinh viên đang phát triển khá mạnh. Hầu như trường đại học, cao đẳng nào cũng đều có ban nhạc của sinh viên, thậm chí có trường cùng lúc có 2 ban nhạc. Đa phần các ban nhạc đều thông thạo nhạc lý, nhạy bén với thị trường âm nhạc trong và ngoài nước… Điểm thành công nhất của họ là tự sáng tác và chơi được nhiều thể loại, từ Rock, Pop đến Hip-hop… phong cách diễn nhiệt tình, đầy “lửa”. Tuy nhiên, dù số lượng đông đảo nhưng “đất” cho các ban nhạc này trổ tài lại rất hiếm…
Một “làn sóng” trẻ đầy nhiệt huyết
Có thể nói, sự ra đời của nhiều ban nhạc sinh viên là một tín hiệu vui bởi đây là một sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn thể mỹ, góp phần đánh giá kết quả giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường. Do một sự ngẫu nhiên hoặc được sự chấp nhận của nhà trường, các bạn sinh viên có năng khiếu âm nhạc cùng nhau họp lại tập tành, phối nhạc, hòa bè, chiêu mộ các tay trống, đàn tạo nên một làn sóng hết sức sôi nổi. Một vài ban chấp hành Đoàn trường cũng “chịu chơi” trong việc bỏ tiền ra để tạo tên tuổi cho các ban nhạc của trường mình. Bản thân của các thành viên trong ban nhạc sinh viên rất chịu khó học hỏi, mày mò để tạo cho mình một phong cách riêng. Ở Hà Nội, ngoài hai ban nhạc “đình đám” Đồng Đội của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Ngũ Cung của Nhạc viện Hà Nội thì sau Liên hoan các ban nhạc sinh viên vừa qua đã “lộ diện” thêm nhiềuban nhạc tài năng như Thánh giá đỏ (ĐH Quản lý công nghệ), Mắt bão (Đại học Phương Đông), Đường ray 40 độ (ĐH Sân khấu Điện ảnh), Endless Love (ĐH dân lập Đông Đô)… Các ban nhạc này khiến người xem phải “giật mình” vì sự chuyên nghiệp và đam mê hết mình của các bạn sinh viên đối với rock. Nếu như Mắt bão gồm toàn những chàng trai trẻ chơi rock như một sự đam mê thì Thánh giá đỏ lại biết kết hợp sự ngẫu hứng giữa nhiều loại nhạc tạo nên sự đa dạng, phong phú; còn Endless Love thường mang đến cho khán giả sinh viên không khí trẻ trung của pop với các cô gái vừa hát vừa chơi nhạc cụ. Tại Huế thì có các ban nhạc sinh viên chuyên chơi rock Trùng Dương (ĐH Kinh tế), Phong Thiên, Rồng hoang (Học viện Âm nhạc)… Riêng TP.HCM, trước đây qua cuộc thi Unplugged (dành cho sinh viên hát tiếng Anh) do Trường Đại học KHXN-NV TP.HCM khởi xướng đã xuất hiện một số ban nhạc sinh viên tạo sự yêu mến của giới trẻ sinh viên như Gạch chịu lửa (ĐH Văn Lang), Number twoBlack eyes (ĐH KHXH-NV TP.HCM), Biển Sáng (ĐH Kinh tế TP.HCM)… Theo thời gian, các ban nhạc này đã dần tan rã và thay thế vào đó là những ban nhạc “đàn em” cũng không kém cạnh: Kiến Xanh (ĐH Kiến trúc); The Faith , Đá đen (ĐH Bách khoa); Gió phương Nam, Biến tấu (Nhạc viện TP.HCM), Tiết tấu mới (ĐH Kinh tế TP.HCM)… cũng đã bắt đầu định hình trong lòng các bạn sinh viên. Xem những đêm diễn của các ban nhạc này, ai cũng rất phấn khởi. Tất cả cùng hát, cùng hòa nhịp vỗ tay và sự đồng điệu của tuổi trẻ. Dường như họ quên hết những âu lo, mệt nhọc sau những giờ phút học tập căng thẳng. Từng lời ca, giai điệu cất lên là được ủng hộ nhiệt tình, từng tốp khán giả sinh viên say mê hát theo. Họ chơi nhạc với thái độ nghiêm túc, bởi vậy trình độ kỹ thuật và chất lượng sáng tác ngày càng được nâng cao.
“Đất” diễn không nhiều
Trước đây, có rất nhiều sân chơi âm nhạc thu hút đông đảo giới trẻ để các ban nhạc sinh viên tự giới thiệu mình và giao lưu, học hỏi với các trường bạn như Đêm trẻ, CLB Bạn yêu nhạc chiều thứ năm, Ban nhạc và bạn trẻ, Liên hoan tiếng hát sinh viên, Top Hits… còn bây giờ, sân chơi âm nhạc dành cho họ ngày càng bị thu hẹp. Những cuộc Liên hoan các ban nhạc sinh viên, Rock sinh viên… chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các cuộc thi chuyên nghiệp như Bài hát Việt thỉnh thoảng mới có sự xuất hiện của một vài ban nhạc sinh viên. Chính vì thế, sân khấu chủ yếu của các ban nhạc này là tại các trường mà mình đang học, đôi khi là các quán cà phê nhạc sống, nhưng lịch biểu diễn cũng không thường xuyên lắm. Vì ít “đất” diễn nên đa số các ban nhạc đều sẵn sàng chấp nhận diễn không cần thù lao khi có lời mời. Một vài ban nhạc được Hội sinh viên trường tài trợ về khoản âm thanh. Nhưng cũng có trường, các ban nhạc phải tự góp tiền thuê nhạc cụ để tập luyện và biểu diễn bởi hoạt động của Đoàn – hội đều được bao cấp nên kinh phí tổ chức cho các ban nhạc chỉ dừng ở mức độ nào đó mà thôi. Tuy nhiên, vì sự đam mê mà các ban nhạc đều vượt qua tất cả. Theo nhạc sĩ Thanh Tâm – cựu thành viên của ban nhạc Tiết tấu mới, muốn “lẫy lừng” thì những ban nhạc sinh viên của các trường nên hợp lại với nhau thành lập ra một CLB, điều này giúp các ban nhạc có điều kiện tập luyện và “đất” dụng võ sẽ nhiều hơn.
Mong rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều sân chơi âm nhạc để các ban nhạc sinh viên phát huy hết thế mạnh của mình bởi khi chuyện học hành, chuyện mưu sinh có làm các bạn sinh viên mệt mỏi, khi đến với sân chơi này, chắc chắn sẽ cảm thấy yêu đời và vô cùng lạc quan.
 
TRẦN HOANH

Bình luận (0)