Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Bản quyền đối với tác phẩm báo chí được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành công cụ đắc lực của con người trong nhiều lĩnh vực. Với lĩnh vực báo chí, chúng ta chỉ cần cung cấp vài câu mô tả đơn giản cho một công cụ AI bất kỳ, công cụ này có thể dễ dàng trả lại một bài báo hoàn thiện.
Các tác giả của bài viết này mong muốn được gửi đến quý độc giả cơ sở pháp lý liên quan đến việc bảo hộ các tác phẩm báo chí hoàn toàn do AI tạo ra mà không có sự sáng tạo của con người (gọi tắt là “tác phẩm của AI”), từ đó xác định sơ bộ phạm vi sử dụng tác phẩm của AI và gợi mở cách thức phát hiện trường hợp sử dụng tác phẩm của AI chưa phù hợp pháp luật.
Tác phẩm của AI được pháp luật Việt Nam bảo hộ không?
Trước khi phân tích chi tiết, chúng tôi xin phép phân biệt hai khái niệm “tác phẩm” và “tác phẩm được bảo hộ” theo pháp luật Việt Nam. Về cơ bản, một bài báo có thể được pháp luật công nhận là một tác phẩm, nhưng bài báo này chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật yêu cầu. Hiểu được hai khái niệm nêu trên sẽ tạo thuận lợi cho chúng ta tìm hiểu phân tích chi tiết như sau:
Đầu tiên, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa tác phẩm “là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” (theo Khoản 6 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 và Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022) và tác phẩm báo chí là một loại hình tác phẩm được pháp luật công nhận.
Vậy một tác phẩm của AI hoàn toàn có thể đáp ứng điều kiện để được công nhận là một tác phẩm báo chí theo pháp luật Việt Nam. 
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành công cụ đắc lực của con người trong nhiều lĩnh vực.
Tiếp theo, để được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam, tác phẩm của AI phải đáp ứng điều kiện “do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác” (theo Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 và Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022).
Tại đây, chúng ta cần xác định tác giả của tác phẩm của AI trong ba đối tượng sau: AI, người tạo ra AI và người đưa ra yêu cầu để AI để tạo ra tác phẩm báo chí.
Hiện nay, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa tác giả “là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm” (theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ), và Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam gia nhập từ năm 2004 cũng quy định rõ Công ước này bảo hộ “Tác phẩm của các tác giả là công dân của một trong những nước là thành viên của Liên hiệp dù những các tác phẩm của họ đã công bố hay chưa” (Điều 3 Công ước năm 1971 về việc bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật).
Như vậy, vì AI không phải là con người, nên không được pháp luật Việt Nam công nhận là tác giả của tác phẩm báo chí.
Hai đối tượng còn lại là người tạo ra AI và người đưa ra yêu cầu để AI tạo ra tác phẩm báo chí đều không “trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình” để tạo ra tác phẩm của AI nên cũng không được công nhận là tác giả của tác phẩm của AI, cụ thể: Người tạo ra AI chỉ tạo ra AI, sau đó AI sẽ tự tạo ra các tác phẩm, người tạo ra AI không có hoạt động sáng tạo để tạo ra các tác phẩm này; Người đưa ra yêu cầu để AI tạo ra tác phẩm cũng không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, mà chỉ đơn thuần đưa ra ý tưởng, yêu cầu để AI tự tạo ra tác phẩm.
Những phân tích nêu trên cho thấy: Tuy tác phẩm của AI có thể được công nhận là tác phẩm báo chí, nhưng việc không xác định được tác giả cho tác phẩm của AI đã khiến tác phẩm này rơi vào tình trạng chưa rõ cơ sở pháp lý để được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam.
Vậy các tác phẩm của AI có thể được sử dụng như thế nào?      
Tình trạng “chưa rõ cơ sở pháp lý để được bảo hộ” nêu trên đặt tác phẩm của AI trước kịch bản không rõ ràng: Có phải bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể sử dụng tác phẩm này? 
Tuy nhiên, kể cả câu trả lời là có, thì chúng tôi cho rằng phạm vi sử dụng tác phẩm của AI không được trùng lặp với các quyền tác giả và quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm này (nếu có) theo pháp luật Việt Nam.
Với lĩnh vực báo chí, chúng ta chỉ cần cung cấp vài câu mô tả đơn giản cho một công cụ AI bất kỳ, công cụ này có thể dễ dàng trả lại một bài báo hoàn thiện.
Về nguyên tắc, tác giả – người sáng tạo ra tác phẩm là xuất phát điểm của quyền tác giả để được thụ hưởng các quyền lợi phát sinh từ tác phẩm, cũng như được pháp luật bảo vệ trước những hành vi xâm phạm đến quyền tác giả của mình. Như đã phân tích ở phần trên, vì chưa có cơ sở để xác định tác giả cho tác phẩm của AI, nên bất kỳ chủ thể nào tự nhận là tác giả đối với tác phẩm của AI để hưởng lợi từ quyền tác giả đối với tác phẩm đó đều không phù hợp pháp luật Việt Nam và có rủi ro dẫn đến các cáo buộc về đạo nhái, đạo đức hành nghề và gây ra các tranh chấp phức tạp về bản quyền báo chí. 
Cách thức phát hiện trường hợp sử dụng tác phẩm của AI chưa phù hợp pháp luật
Trong mức độ gợi mở của bài viết này, chúng tôi xin phép tạm gác lại sự cần thiết của các quy định pháp luật xác định bản quyền các tác phẩm của AI, để đưa ra yêu cầu cần được giải quyết trước tiên là phải xác định được tác phẩm nào là tác phẩm của AI. Để thực hiện được yêu cầu này, chúng ta cần một giải pháp, công cụ kết hợp các nền tảng công nghệ (như Blockchain, Big Data, AI) có chức năng rà soát và phát hiện được mức độ giống nhau giữa tác phẩm báo chí được công bố và các tác phẩm của AI, từ đó đánh giá các hành vi sử dụng tác phẩm của AI có phù hợp pháp luật hay không.

Bằng chức năng và nhiệm vụ của mình, Trung tâm Bản quyền số (DCC) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) hân hạnh được làm cầu nối giữa những tác giả, nhà báo, đơn vị báo chí với các đơn vị cung cấp công nghệ, dịch vụ pháp lý và các cá nhân, đơn vị liên quan trong lĩnh vực báo chí để cùng phát triển các giải pháp toàn diện, hiệu quả trong công cuộc bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số trong kỷ nguyên AI.
Hoàng Đình Chung (theo vietnamnet)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)