Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bản quyền giáo trình chưa được quan tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Báo Giáo dục TP.HCM ngày 5-8 có bài “Số hóa bài giảng: còn bỏ ngỏ câu chuyện bản quyền”. Trong bài viết, tác giả đặt ra vấn đề rất cần thiết và có ý nghĩa: “Giảng viên, giáo viên phải được tôn trọng và có quyền lợi chính đáng từ các thành quả trí tuệ của chính mình. Cần minh bạch hóa quá trình sử dụng, khai thác các sản phẩm bài giảng số hóa nhằm động viên, khuyến khích những người thực hiện…”.

Hiện nay chưa ai đặt ra vấn đề bản quyền trong nhà trường. Trong ảnh: Giáo viên môn tiếng Anh ôn tập cho học sinh lớp 12 theo đề cương riêng. Ảnh: Y.Hoa

Đây là một đòi hỏi rất chính đáng cho những người giảng dạy, nghiên cứu, đặc biệt trong điều kiện số hóa hiện nay. Trên thực tế, ngoài một số khía cạnh mà tác giả bài viết đã nêu, vấn đề bản quyền ở nhà trường hiện có nhiều biểu hiện chưa lành mạnh. Đó là nạn sao chép bài giảng của nhau, của ai đó bất kỳ mà một giáo viên tìm thấy trên mạng internet, có khi toàn bộ bài giảng hoặc một đoạn. Khi bị phát hiện, người ta thường phê bình ý thức chép lại nội dung của người khác chứ ít khi ai phê phán việc ăn cắp bản quyền. Đó là việc sao chép, cóp nhặt các sáng kiến kinh nghiệm, các công trình nghiên cứu của người khác, bất kể nội dung đó có được triển khai trên thực tế chưa, có hiệu quả hay không, có phù hợp với điều kiện cụ thể của người sao chép không. Khi bị phát hiện, vấn đề bị phê bình cũng ít nhắc đến ý thức về mặt bản quyền, mà chỉ nhấn mạnh đến yếu tố “đây không phải là sản phẩm của anh/chị”. Đó là việc sao chép ý tưởng trong bài giảng, sáng kiến cải tiến, bài phát biểu, các tham luận hay công trình nghiên cứu với tính chất là chép mỗi nơi một chút và không có dẫn nguồn. Việc sao chép này thường ít được chú ý và cũng ít bị phát hiện, có lẽ do có sự “sáng tạo” của người chép và lỗi lớn nhất là trích nguồn thì cũng ít khi bị phê phán.

Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền của giáo trình cũng rất ít được quan tâm. Với giáo viên các trường phổ thông đi học tập, nghiên cứu, liệu có bao nhiêu người thực sự có ý thức về vấn đề bản quyền, hay vẫn vô tư photo, sao chép tài liệu của người khác? Và liệu họ có thể giáo dục học sinh của mình như thế nào về vấn đề này khi bản thân họ chưa thực sự làm gương? Nhưng có lẽ việc sao chép đáng trách nhất là việc dùng lại các bài văn mẫu và hướng dẫn cho học sinh viết theo các bài văn mẫu đó. Đến giờ, liệu đã có ai nghĩ đến việc giáo viên dạy học sinh viết theo, học thuộc lòng các bài văn có sẵn là một biểu hiện sao chép, “đạo văn” hay bất cứ điều gì khác liên quan đến vấn đề bản quyền không? Có lẽ nhiều người chỉ dừng lại ở việc cho rằng điều đó là triệt tiêu sự sáng tạo, sự chủ động và tạo ra sự lười suy nghĩ của học sinh hơn là các vấn đề khác. Trên thực tế, bản thân người viết ra các bài văn mẫu hay người tập hợp để in thành sách luôn có mong muốn càng nhiều người sử dụng bài văn của mình càng tốt, tức là bài văn đã có sự thu hút nhất định. Thế nhưng, việc sử dụng lại tác phẩm của người khác khi không xin phép, khi không dẫn nguồn và biến nó thành tác phẩm của mình là một vi phạm bản quyền nghiêm trọng, dẫu không đặt ra vấn đề pháp lý thì yếu tố đạo đức cũng không thể xem nhẹ. Chúng ta nên xây dựng dần nhận thức rằng sử dụng sản phẩm của ai đó và biến nó thành sản phẩm của mình là điều không hay, đáng phê phán và trong một số trường hợp cần phải lên án, kể cả trong việc sử dụng bài văn mẫu, nhất là khi giáo viên còn bằng cách này hay cách khác thúc đẩy, khuyến khích học sinh thực hiện hành vi đó.

Dĩ nhiên, hiện nay chưa mấy ai đặt ra vấn đề bản quyền trong nhà trường một cách cụ thể, chi tiết như vừa nêu (trừ nạn “đạo văn”) nhưng rõ ràng việc xác lập và làm gương về vấn đề này là rất cần thiết. Trước hết, trường học nên thể hiện sự minh bạch, gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung, trong đó có bản quyền, nói rộng hơn là sở hữu trí tuệ. Chính điều này là một hình thức giáo dục nhận thức và hành vi cho học sinh một cách sơ khởi và có giá trị tích cực về vấn đề bản quyền, để học sinh khi lớn lên luôn có ý thức đúng đắn trong việc thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, khi nhà trường làm tốt việc này, nhất định sẽ tạo ra sự lan tỏa ra xã hội, để các hiện tượng “cầm nhầm”, “sao chép”, “đạo văn”… sẽ dần giảm đi.

Trúc Giang

Bình luận (0)