Sau 3 năm trở lại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay cảnh sắc và cuộc sống của bản Rào Tre. Những căn nhà tạm bợ, tồi tàn đã nhường chỗ cho dãy nhà sàn xây kiên cố nằm nép mình bên dòng suối trong soi bóng dãy núi Giăng Màn mặc chiếc áo xanh biếc lá tràm, cành dó.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng bản Rào Tre hướng dẫn bà con dân tộc Chứt treo cờ Tổ quốc mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: T.L
Niềm vui con đường mới mở
Từ thị trấn phố núi, đoàn xe chúng tôi tìm lối ra đường mòn Hồ Chí Minh để đi vào xã sâu nhất của huyện Hương Khê. Hầu hết mọi người đều tưởng những khó khăn trên đoạn đường đi 30km đang chờ đợi phía trước. Thế nhưng khi cô giáo Nguyễn Thanh Toàn lái xe ngược hướng lên cầu Khe Ác, chúng tôi mới biết được thêm một con đường mới mở đi tắt về xã Hương Liên. Là người nhiều năm cắm bản tại Rào Tre, cô Toàn đã trở thành hướng dẫn viên ngay từ lúc xe nổ máy cho đến khi bản Rào Tre hiện ra trước mặt. Con đường chỉ 12km mới được phá mở vài năm nay đã đưa bản Rào Tre đến gần hơn với vùng trung tâm. Qua Hương Trà, đến ngay cửa rừng mắt đã thấy ngập màu xanh bạt ngàn của thông 3 lá, cây dó phủ kín các ngọn đồi đẹp như bức tranh vẽ. Cô Nguyễn Thị Loan vốn là giáo viên Trường Dân tộc nội trú Hương Khê ví nơi đây như Đà Lạt của xứ Nghệ nếu thời tiết lạnh hơn một chút. Cả nhóm chúng tôi vốn quen sống ở thành phố nay được gặp núi rừng thì lòng vui khó tả, cảm thấy hồn mình đã hòa quyện vào mỗi dòng suối, con đèo.
Tác giả chụp ảnh cùng trẻ em dân tộc Chứt tại bản Rào Tre
Anh Đậu Xuân Hùng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã là người đón chúng tôi đầu tiên. Cũng thật dễ hiểu vì anh là cựu học trò của Trường Dân tộc nội trú Hương Khê hơn 10 năm trước đây. Lâu ngày thầy trò gặp nhau, niềm vui nở mãi trong từng câu chuyện. Mảnh ruộng nhỏ chạy theo con suối trước mặt thấp thoáng bóng người đi gặt lúa mặt trời sắp tắt bóng mà chưa ra về. Phía xa là nương ngô, ruộng đậu nép mình bên dãy núi Ka Đay tuy không lớn nhưng cũng tạo nên một bức tranh ngày mùa sống động chẳng khác chi dưới đồng bằng. Không cần người chỉ đường, cô giáo Toàn chở chúng tôi đến ngay bản Rào Tre với những nóc nhà mới còn thơm mùi sơn. Mô phỏng nhà sàn đồng bào dân tộc Chứt, 9 ngôi nhà được dựng lên trên hàng cột cao hơn 1m. Thay cho gỗ, toàn bộ được xây bằng gạch trên diện tích 55m2 với kinh phí 120 triệu đồng/ nhà. Đây là những hộ gia đình có công, hộ nghèo, hộ bị thiên tai trên địa bàn được ưu tiên nhất. Những ngôi nhà này cùng với những căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tình nghĩa… đã làm cho bộ mặt bản làng thay đổi hẳn; người dân không còn cảnh sống trong hang đá như trước hay phải chạy lũ, chạy mưa cả gia đình. Nhà văn hóa cộng đồng xã cũng là một điểm nhấn đổi thay mà chúng tôi không thể bỏ qua. Giữa sân rộng, người dân chơi chia thành 2 đội chơi bóng hơi, trẻ em có sân chạy nhảy nô đùa. Sách trong thư viện cũng đã tăng thêm số lượng và đầu bản nhờ phong trào quyên góp của Phòng GD-ĐT huyện.
Rào Tre từng bước hội nhập
Chưa bao giờ, đồng bào dân tộc Chứt lại được quan tâm như thời gian gần đây. Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre của toàn tỉnh sau 3 năm thực hiện như tia nắng mới chiếu soi khắp núi rừng với nhiều công trình, hạng mục xây dựng ưu tiên hàng đầu. Thỉnh thoảng nghe tiếng gà, tiếng lợn khua máng vọng ra từ nhà sàn, mọi người mới thấy mô hình sản xuất nông nghiệp đang từng bước chuyển mình.
Trong thời đại dịch Covid-19, Đồn biên phòng bản Giàng và Rào Tre đã lập phòng học trực tuyến rộng khoảng 20m2 ngay tại Tổ công tác bản Rào Tre với đầy đủ các thiết bị như: bàn ghế, máy tính, điện thoại, mạng internet… tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Cô giáo Trần Thị Lê Na – giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Hà Tĩnh trao đổi: “Chúng tôi thường xuyên thay nhau, vượt hàng chục kilômét để vào bản, phối hợp với Tổ công tác Rào Tre, chỉ bảo, giúp đỡ các em học sinh trong việc học trực tuyến”. Dù bao khó khăn nhưng bản Rào Tre đang nắm chặt vòng tay cùng với chính quyền và nhân dân trong huyện từng bước hồi sinh và vươn dậy hòa nhập để theo kịp bất kỳ một địa phương nào.
Người dân bản Rào Tre tham gia thi đấu bóng chuyền
Điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, theo đó những hủ tục cũng được bài trừ, thay vào đó bà con hình thành nếp sống văn minh hiện đại. Nếu trước đây, phụ nữ Chứt mỗi kỳ sinh nở đều phải dựng chòi ngoài bìa rừng tự vượt cạn… thì nay, mỗi lần sinh nở, chị em được đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc theo dõi. Đó là một trong những lý do làm cho nhân khẩu người Chứt ở Rào Tre phát triển trong những năm gần đây.
Bản Rào Tre hiện có 44 hộ là người dân tộc Chứt sinh sống với 157 nhân khẩu, có 39 học sinh đang học ở các cấp học. Những năm qua, để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng Việt Nam. Bên cạnh đó, trong các dịp lễ, Tết và khai giảng năm học mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng bản Rào Tre cũng thường xuyên tặng quà, mua sắm sách vở, quần áo, xe đạp… để hỗ trợ, động viên các em đến trường. |
Dọc đuờng nghe cô Toàn kể, có người liên tưởng đến cô giáo Tày Tô Thị Rỉnh ở vùng cao Tây Bắc không chỉ dạy chữ mà còn nuôi dưỡng, chăm sóc các em như người mẹ, người chị trong nhà. Vất vả từ việc vận động con em đến lớp cho đến cả may vá, giặt giũ, tắm rửa cho các em. Nếu không có tình yêu nghề mến trẻ thì cô Toàn khó vượt qua được. Có lẽ vì thế mà cô đã thuộc từng nhà, tên từng học trò dù nay các em đã là cha là mẹ của những đứa trẻ. Hôm nay trở lại Rào Tre, cô giáo Toàn dù đã nghỉ hưu và cả chúng tôi như thấy đang trở về ngôi nhà thân yêu của chính mình với niềm hạnh phúc ngập tràn.
Cùng với những bước thăng trầm trên chặng đường an cư ở Rào Tre, người Chứt đã có những bước tiến dài trên đường hội nhập. Chuyện học sinh người Chứt ở Rào Tre đỗ đại học tưởng chừng như khó những năm qua đã trở thành hiện thực. Đó cũng là động lực mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học sinh ở Rào Tre vươn lên lập thân, lập nghiệp bằng con đường học tập.
Ngọc Quang
Bình luận (0)