Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bán rẻ sức khỏe ở “lò” ắc quy phế liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động nữ súc rửa bình ắc quy cũ bằng tay không
Vì mưu sinh mà người lao động phải chấp nhận làm việc trong các “lò” thu mua và xử lý bình ắc quy phế liệu – một môi trường cực kỳ độc hại.
Từ nội đến ngoại thành TP.HCM có nhiều điểm chuyên thu gom bình ắc quy cũ, hỏng hóc về sửa chữa, xử lý rồi bán lại nếu còn sử dụng được hoặc bán ve chai. Mỗi đại lý thu mua như thế này có nhiều lao động làm các khâu như vận chuyển, phân loại, cạo axít, súc rửa bình…
Bảo hộ lao động lấy lệ
Tiếp xúc trực tiếp với các thỏi chì, axít độc hại đã qua sử dụng hàng ngày nhưng đồng lương chẳng đáng là bao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thu nhập trung bình cho mỗi ngày làm việc từ 8-10 tiếng chỉ tròm trèm 100.000 đồng. Đó là đối với những cơ sở có lượng hàng ổn định, còn với những điểm thu mua nhỏ lẻ thì người lao động ăn lương theo sản phẩm.
Tại một tiệm đổi bình ắc quy cũ gần cầu Sắt (cầu Bùi Hữu Nghĩa, nằm trên đường cùng tên ở Q.Bình Thạnh), hàng trăm bình ắc quy lớn nhỏ được đổ đống chờ phân loại xử lý. Chị Nguyễn Thị Hạnh (51 tuổi, quê huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) cho biết trong ngày chị phải “xử” hết số bình ấy. Công việc của chị là phân loại, thẩm định chất lượng của bình. Bình còn sử dụng được để một bên, “lên đời” dành đổi cho khách khi có nhu cầu. Bình hỏng thì tháo lấy thỏi chì ra rửa sạch, lấy bình nhựa bán ve chai.
5 năm trước, mỗi ngày chị Hạnh đẩy xe đi mua ve chai khắp nơi, từ Bình Thạnh, Gò Vấp đến Thủ Đức… Lần mua được mấy chiếc bình ắc quy hỏng, chị mang ra tiệm gần nhà trọ (nay là nơi chị làm việc) bán. Thấy người ta để bảng tìm người phụ, chị hỏi và được chủ nhận vào làm. So với công việc mua ve chai, thu nhập thấp hơn nhưng chị Hạnh vẫn chấp nhận vì: “Mình lớn tuổi rồi, chân cẳng đau nhức miết, đi ròng một bữa về nằm cả ngày. Hơn nữa, công việc ở đây ngày công thấp nhưng ổn định”. Ngoài công việc kể trên, cuối ngày, chị Hạnh còn làm vệ sinh bình ắc quy (cạo axít bám trên các cọc bình cũng như trong khối chì – PV). Đây là công đoạn mà người trong nghề rất ngán ngại bởi mức độ nguy hại của nó.
Có chứng kiến lao động làm việc tại đây mới thấy hết vất vả, khó nhọc, chấp nhận “đổi ngang” sức khỏe để kiếm những đồng tiền ít ỏi. Hì hục cạo từng lớp axít dày đặc bám trên cọc bình, chị Hạnh nói: “Em thông cảm. Chị chỉ có thể mở khẩu trang vào giờ nghỉ. Nó độc lắm, mình phải cẩn thận, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua là mình hít trọn”. Để hạn chế mùi axít hoặc bụi vào phổi, chị Hạnh phải đeo tới hai cái khẩu trang kín hết mặt. Tuy nhiên, trông chiếc khẩu trang vừa đeo 2 giờ đã cáu bẩn thì cũng chẳng bảo hộ được gì.
Chị Hạnh cho biết, những ngày đầu chưa quen việc, chưa quen với mùi hăng hắc nồng của axít sộc vào mũi, miệng nên tới bữa ăn uống không ngon, chỉ thèm nước. “Lúc đầu đâu có biết nên không đeo khẩu trang. Chỉ làm vài tiếng đồng hồ thì bụi đặc kín nơi cuống họng, qua ngày sau thì ran rát họng. Đeo khẩu trang chỉ đỡ hơn thôi chứ cũng không thể ngăn hết được”.
Biết độc hại vẫn làm
Chúng tôi ghé vào một điểm thu mua bình khác, cũng trên con đường này. Quan sát bên trong, sát vách là một đống chì phế liệu, chì thỏi và hợp kim nhôm dạng thỏi dùng làm lõi bình ắc quy. Ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các điểm thu mua bình ắc quy cũ xử lý và bán ve chai đều không có giấy phép hành nghề cũng như các giấy tờ liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Vờ hỏi ông chủ tiệm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, việc kinh doanh bình ắc quy cũ thế này có cần giấy phép hành nghề không?  Ông cười bảo: “Mua bán ve chai mà cũng phải có giấy phép nữa à?”. Hơn ai hết, các ông chủ tiệm là người biết rất rõ quy định liên quan đến công việc của mình, tuy nhiên họ vẫn bất chấp. Kể cả người lao động làm trong môi trường độc hại này cũng không được bảo vệ.
Vừa tháo bình ắc quy ra lấy thỏi chì, chị Vương, người làm thuê tại một tiệm sửa xe kiêm mua bán bình nằm sát cạnh cầu Bùi Hữu Nghĩa cho vào một cái xô nước để ngâm rửa. Ngay lập tức, xô nước sạch ngả màu. “Anh thấy không? Toàn là axít nhưng cũng không sao vì đã loãng, hơn nữa thời gian này phần lớn là bình khô”. Thế sao chị không sử dụng bao tay? Tôi hỏi. “Mình cầm nắm nhiều, hơn nữa phải tiếp xúc với nước khi rửa làm ướt, vướng víu khó chịu lắm”. Còn chị Hạnh cho rằng mình không đeo bao tay vì đeo chừng 2-3 ngày là rách, nhất là mấy đầu ngón tay (của bao tay) vì axít ăn mòn.
Trong một con hẻm nhỏ trên đường Hùng Vương, Q.5 có 3 điểm mua bán bình ắc quy cũ. Mặt bằng điểm nào cũng hẹp nhưng lao động thì có tới 5-7 người/ điểm. Axít trong các bình ắc quy đổ đống chảy xăm xắp dưới nền nhà nhếch nhác. Tiếng dép của công nhân đi lại giẫm lên axít nghe phành phạch. Chốc chốc công nhân la toáng lên vì công nhân khác vô tình ném ốc, vít xuống nền văng thứ nước sền sệt độc hại ấy lên người. Khác với lao động nữ mà chúng tôi tiếp xúc ở các điểm thu mua bình ắc quy cũ ở Bình Thạnh, tại đây nam thanh niên không hề trang bị cho mình khẩu trang.
Cũng như các điểm thu mua ở đường Bùi Hữu Nghĩa, tại các “lò” ắc quy cũ, lao động làm hết các công đoạn. Nguyễn Văn Công (ngụ đường Hồ Học Lãm, Q.6) mới 17 tuổi nhưng có thâm niên trong nghề 4 năm. “Nghề này sống được”, Công nói chắc nịch. Khi tôi nói nghề này phải tiếp xúc thường xuyên với axít, chì… rất độc hại, một thanh niên làm cùng Công cắt ngang, vặn lại: “Ai mà không biết nhưng biết làm nghề gì bây giờ?”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
 
Phải có giấy phép hành nghề
Bình ắc quy cũ nằm trong danh mục chất thải đặc biệt nguy hại. Theo quy định, việc lưu trữ bình ắc quy chì phải có kho, bãi an toàn mới được cấp giấy phép của cơ quan chức năng. Các điểm thu mua, xử lý bình ắc quy cũ phải có giấy phép hành nghề.
 
 
Đã xảy ra không ít vụ ngộ độc
Kỹ sư Nguyễn Văn Hồng, Phòng Chất thải rắn – Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM cho biết, bình ắc quy cũ là một chất thải đặc biệt nguy hại. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người lao động trực tiếp mà còn ô nhiễm không khí, môi trường sống nặng nề. Ở những nước tiên tiến, bình ắc quy cũ được xem là rác nguy hại, phải xử lý, hủy bỏ theo quy trình cực kỳ nghiêm ngặt. Còn ở Việt Nam, bình cũ có thể tái sử dụng và trở thành một mặt hàng siêu lợi nhuận. Những năm gần đây, cơ quan chức năng đã bắt nhiều vụ vận chuyển, nhập lậu bình ắc quy cũ vào Việt Nam với số lượng lớn.
Trong mỗi bình ắc quy, bình càng lớn (bình xe tải) thì tấm chì càng nhiều. Sau một thời gian sử dụng, các tấm chì ngâm trong axít trở nên cực độc. Dễ dàng nhận thấy là ở các điểm thu mua, tái sử dụng bình ắc quy cũ việc tháo lắp đều thực hiện bằng phương pháp thủ công. Người lao động vì đồng tiền mà bất chấp sức khỏe, không sử dụng bảo hộ lao động. Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra không ít vụ ngộ độc chì do người lao động tiếp xúc trực tiếp với chì, axít. Với những người nhiều năm tiếp xúc bình ắc quy cũ, chì tích tụ qua hệ thống hô hấp và tích tụ ở xương là việc khó tránh khỏi. 
T.Anh
 

Bình luận (0)