Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bản sắc giờ vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải đến thời điểm này việc đánh giá các nội dung phát trên giờ vàng đã đủ là “vàng” hay chưa mới được quan tâm. Ngay từ thời điểm ban đầu, khi những bộ phim đầu tiên lên sóng như: Vòng xoáy tình yêu, Kiều nữ và đại gia, Tiếng dương cầm trên biển… cũng nhận không ít ý kiến khen – chê trái chiều.

Cảnh trong phim Cuộc chiến không giới tuyến

Cảnh trong phim Cuộc chiến không giới tuyến

Và chuyện vàng – thau lẫn lộn vẫn luôn là chủ đề tranh cãi trong suốt gần 20 năm qua (tính từ thời điểm HTV mở lối tiên phong xây dựng khung giờ vàng cho phim Việt). Đặc biệt, phim Việt giờ vàng trên các kênh sóng, vùng miền… luôn được đặt lên bàn cân so sánh.

Ai cũng hiểu, để làm nên thương hiệu giờ vàng phải là những nội dung chất lượng và trong đó, dấu ấn bản sắc là điều được thể hiện đậm nét. Nói đến sóng giờ vàng trên VTV ở mảng phim truyện, nổi lên các tác phẩm về đề tài thời sự chính luận khi chạm đến những vấn đề gai góc của cuộc sống. Phim giờ vàng trên HTV và Truyền hình Vĩnh Long lại ghi điểm bởi màu sắc phim xưa, hay các tác phẩm tâm lý xã hội lấy nước mắt khán giả. Ở mảng các chương trình giải trí, sự thành công của Rap Việt, Ca sĩ mặt nạ… đã trở thành lối đi riêng của HTV2. Bản sắc không chỉ thu hút, lôi kéo khán giả mà còn tiên quyết trong việc định vị thương hiệu. Nếu không có bản sắc riêng, rất khó để tạo thành thương hiệu và giữ chân khán giả.

Mới đây nhất, HTV đã kết hợp với SK Pictures ra mắt Khung phim Việt đặc sắc. Trong đó, điểm nhấn quan trọng chính là mục tiêu tập hợp đội ngũ, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để tạo nên sự gắn kết, tăng sức mạnh của thị trường. Nhìn từ bài học của TFS (Hãng phim truyền hình TPHCM), VFC (Hãng phim truyền hình Việt Nam) hay các tập đoàn truyền thông lớn hiện nay, sẽ thấy đây là yếu tố mang tính tiên quyết để xây dựng nên bản sắc riêng cho các chương trình giờ vàng.

Xa hơn, câu chuyện bản sắc không chỉ gói gọn trong quy mô, phạm vi trong nước. Nếu thành công và gây tiếng vang, các nội dung chất lượng hoàn toàn có thể xuất khẩu. Việt Nam đã từng remake (làm lại) rất nhiều bộ phim nổi tiếng, hay nhập khẩu bản quyền các chương trình truyền hình đình đám. Ở chiều ngược lại, mọi thứ vẫn còn khá khiêm tốn nhưng không phải là không thể. Điều quan trọng là mơ ước đủ lớn, dám đặt mục tiêu, dám làm, dám thất bại mới mở chìa khóa để thành công dù là đường còn dài.
Theo Văn Tuấn/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)