Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bán sân bay, cảng biển, đường cao tốc: Cần “chọn mặt gửi vàng”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông báo chủ trương bán một số sân bay, cảng biển, đường cao tốc… để lấy vốn đầu tư phát triển thêm hạ tầng giao thông, nhiều chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ. Chủ trương cơ bản đã hợp lòng dân, vấn đề còn lại: bán như thế nào?
Không khuyến khích “bình mới, rượu cũ”
Sôi động nhất và được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất có lẽ là các sân bay. Ngay khi Bộ GTVT thông báo chủ trương bán sân bay Phú Quốc và nhà ga T1 của sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã có hai hãng hàng không, đầu tiên là VietJet Air và sau đó thêm Vietnam Airlines đặt vấn đề mua nhà ga T1 của sân bay Nội Bài. Sau đó, Jetstar Pacific cũng xin nhượng quyền khai thác nhà ga cũ của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với thời gian 15 – 20 năm.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khá xa lạ với hoạt động của ngành hàng không như Tập đoàn T&T cũng ngỏ ý muốn mua lại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc…

Cảng hàng không Phú Quốc được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, đây là tín hiệu tốt cho thấy Bộ GTVT đang mở hướng để thu hút thêm các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, cũng như nâng chất lượng hoạt động của hệ thống này.
Tuy nhiên, “điểm danh” cụ thể một số đơn vị đã ngỏ ý mua sân bay, cảng biển…, tiến sĩ Huỳnh Thế Du băn khoăn: “Doanh nghiệp nhà nước trong ngành GTVT chiếm quá nhiều”. Một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ GTVT là thu hút thêm nguồn lực ngoài ngân sách. Như vậy, bán sân bay, cảng biển thuộc doanh nghiệp nhà nước này quản lý sang cho doanh nghiệp nhà nước khác quản lý, vô hình trung chỉ là thay bàn tay “thò” vào túi ngân sách lấy tiền. Hoặc giả, doanh nghiệp nhà nước xin mua sân bay, cảng biển không từ tiền ngân sách mà đi vay thì nhà nước vẫn phải nhận vai trò bảo lãnh… Nói tóm lại, gánh nặng vẫn đặt trên vai nhà nước.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang xin mua cảng biển, sân bay cũng đang trong quá trình cổ phần hóa, thu hút thêm các nguồn vốn bên ngoài cho đầu tư, phát triển. Một chuyên gia kinh tế khác (xin được phép giấu tên) thậm chí còn cho rằng nếu chuyển nhượng quyền khai thác sân bay, cảng biển từ tay doanh nghiệp nhà nước này sang doanh nghiệp nhà nước khác thì cũng như thay “bình… mới, còn rượu vẫn cũ”. Nhà nước phải dứt khoát “cai sữa” đối với những phần đã quyết định xã hội hóa thì mới thực sự thu hút được các nguồn lực bên ngoài.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nhà nước cũng không cần quá lo nếu các doanh nghiệp bên ngoài muốn mua lại nhưng chưa có kinh nghiệm kinh doanh sân bay, cảng biển hay đường cao tốc, bởi nếu cần họ có thể thuê các nhà điều hành chuyên nghiệp trực tiếp thực thi công việc cho mình. Vấn đề cần làm, nhà nước phải đưa ra được những yêu cầu tối thiểu trong việc điều hành sân bay, cảng biển, đường cao tốc và kiểm soát nghiêm việc tuân thủ của doanh nghiệp.
Không nhất thiết có lãi ngay mới bán
Góp ý “Không nhất thiết có lãi ngay mới bán”, theo nhiều chuyên gia là dành cho việc bán đường cao tốc. Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia đưa ra lời khuyên này. Tiến sĩ Trần Du Lịch giải thích, phần lớn đường cao tốc ở Việt Nam có chi phí đầu tư xây dựng cao so với nhiều nước trên thế giới. Nếu giá bán đường cao tốc căn cứ theo mức phí đầu tư và chỉ cho phép thu phí theo mức quy định, khó có nhà đầu tư muốn mua vì thời gian thu hồi vốn quá dài. Ngược lại, chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí giao thông trên đường cao tốc, nếu thu cao thì không thu hút các phương tiện giao thông sử dụng con đường này.
Hiện nay, với mức phí đang được áp dụng, gần như chỉ có các phương tiện giao thông đắt tiền, chủ yếu là xe cá nhân, xe doanh nghiệp nhà nước mới “dám” đi vào đường cao tốc. Xe container, xe tải và nhiều loại xe khách rẻ tiền khác vẫn chọn các tuyến đường cũ để đi vì chi phí rẻ hơn. Bộ GTVT nên cân nhắc thực tế này. Thậm chí, nếu cần, nhà nước chịu lỗ khi bán đường cao tốc. Mục tiêu lớn nhất lúc này là thu hồi (một phần) vốn đã đầu tư đường cao tốc để đầu tư thêm đường cao tốc mới.
Bộ GTVT nên rà soát lại tất cả các khoản chi phí, những khoản nào có thể tiết giảm được như lãi ngân hàng phát sinh vì nhà đầu tư phải chờ mặt bằng lâu… nên cố gắng xử lý dứt điểm. Chỉ khi đưa được chi phí xây dựng đường cao tốc về mức hợp lý mới thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Đề xuất chung cho cả việc bán sân bay, cảng biển, đường cao tốc, tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng nhà nước phải đưa ra được các yêu cầu cụ thể cho việc khai thác cũng như đầu tư nâng cấp sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Nhiều nước ở Nam Mỹ đã từng có bài học cay đắng về việc bán hoặc nhượng quyền khai thác hạ tầng kỹ thuật cho tư nhân. Tư nhân hầu như không đầu tư gì cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà họ được chuyển quyền khai thác mà chỉ tập trung khai thác cho đến khi… không còn gì. Cuối cùng, họ bỏ đi và để lại cho nhà nước một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã lạc hậu, xuống cấp. Tuyệt đối không nên nóng vội mà cân nhắc thật kỹ hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật (định bán) của bộ máy cán bộ hiện nay với hiệu quả có thể thu được khi bán. Nếu bán hoặc chuyển nhượng quyền khai thác có hiệu quả hơn thì bán, còn không, chờ cơ hội mới.
Sân bay, cảng biển, đường cao tốc không chỉ có ý nghĩa là khối tài sản lớn của đất nước mà còn có ý nghĩa không nhỏ trong việc ổn định trật tự, phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy phải “chọn mặt” trước khi quyết định “gửi vàng”.

NGUYỄN KHOA

(SGGP)

Bình luận (0)