Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Bán” sức… lấy phế liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Hưng (bìa phải) và anh em trong nhóm đang đập bê tông
Bỏ ra một ngày theo chân nhóm thanh niên chuyên đập bê tông lấy phế liệu, chúng tôi mới thấy cuộc mưu sinh của họ là những chuỗi ngày sống trong đầm đìa mồ hôi và cả nước mắt.
Người trong “nghề” thường nói vui về công việc của họ là “bán” sức khỏe đổi lấy sắt thép. Chữ “bán” được hiểu là sự đổi chác bất tương xứng giữa sức khỏe và đồng tiền kiếm được. Dẫu biết sức khỏe hao mòn sau những ngày làm việc quá sức nhưng vì miếng cơm manh áo, vì tương lai con cái mà họ vẫn bám trụ không rời như chính cái nghèo đã vận vào cuộc đời họ.
“Nghề” của cơ bắp
Hàng tấn bê tông vừa được nhóm anh Trần Văn Huyên (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) phá dỡ, chuẩn bị đập tại khu đất trống phía tây Khu công nghiệp Long Hậu (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Anh Huyên cho biết đã bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua số bê tông ấy rồi thuê nhân công đập dỡ. “Hy vọng có lời chút đỉnh, anh em có việc làm trang trải tiền nhà, tiền trường cho con”, anh Huyên chia sẻ.
Xuất thân là một phụ hồ theo công trình rày đây mai đó, những năm 90 của thế kỷ trước, ngoài công việc chính, ban đêm anh Huyên kiếm thêm thu nhập bằng công việc đập bê tông thuê. Từ kinh nghiệm và các mối quan hệ, anh Huyên sớm trở thành một chủ thầu chuyên nhận dỡ nhà, đập phá bê tông, mua xác nhà ở và các công trình lớn. Không chỉ làm tại TP.HCM, mà nhóm thợ của anh Huyên còn có mặt ở khắp các tỉnh/thành trên cả nước. Nhắc đến tên anh, những tay thầu phá dỡ nhà chuyên nghiệp tại TP.HCM và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ đều biết.
Thu nhập của một thợ đập bê tông trên dưới 300.000 đồng/ngày. Số tiền này là niềm ao ước của nhiều người lao động chân tay. Tuy nhiên công sức mà thợ đập bê tông bỏ ra thường gấp đôi, thậm chí gấp ba lần lao động phổ thông bình thường. Đồ nghề của họ rất đơn giản, 1-2 cây búa, xà beng, máy khoan…, nhưng quan trọng nhất là phải có sức khỏe dẻo dai. Để có được khoản thu nhập như vậy, trung bình mỗi thợ phải đập ít nhất 1,5 tấn bê tông/ngày với chiếc búa nặng trên dưới chục ký. Anh Trần Văn Tuấn, một người làm “nghề” được 3 năm, cho biết những ngày đầu chỉ làm 1-2 tiếng cho quen nhưng cả người ê ẩm, nhấc cánh tay không lên.
Với thợ khỏe, thường họ không đập theo ngày mà nhận đập theo khối lượng sản phẩm và ăn chia với chủ thầu. Cũng có không ít người mua lại bê tông của chủ thầu để đập, chấp nhận may rủi. Theo anh Nguyễn Văn Hưng, thợ cùng nhóm anh Tuấn, đã có trường hợp “bỏ của chạy lấy người” vì gặp phải hàng tấn bê tông “đểu”, bên trong nan tre nhiều hơn sắt. Cuối năm 2013, anh Hưng phải cắn răng bán chiếc xe gắn máy để lấy tiền trả công cho thợ vì lượng sắt thép thu được không đạt phân nửa như dự đoán. “Tôi làm nhiều năm trong nghề vẫn bị “dính chưởng”. Để hạn chế những rủi ro, người nhận thầu cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc công trình, thời gian thi công, nhà thầu nào thực hiện, số tiền đầu tư bao nhiêu…”, anh Hưng đúc kết.
“Bán” rẻ sức khỏe
Nhóm thợ của anh Tuấn có gần chục người, lớn tuổi nhất cũng đã U.60, còn trẻ nhất tầm U.30, ai nấy đều sở hữu thân hình vạm vỡ, săn chắc và cơ bắp cuồn cuộn. Bề ngoài nhìn họ rắn chắc, khỏe khoắn là vậy nhưng thường xuyên ngã bệnh vì môi trường làm việc ngoài nắng, mưa. “Cảm nắng, nhiễm nước mưa cộng với làm việc quá sức, bị lao lực nên mỗi lần bệnh là thấy lo”, anh Tuấn lo lắng. 
Theo anh Hưng, những ngày đầu mới vào nghề, thứ luôn mang theo bên mình người thợ là rượu thuốc, thuốc xoa bóp gia truyền phòng khi thắt cơ gây đau nhức. Ngoài ra thợ còn trang bị nhiều loại thuốc sát trùng, dung dịch rửa vết thương đề phòng khi bị bê tông bắn vào người gây xây xát. Trước đây, thợ còn mang dụng cụ bảo hộ như kiếng đeo mắt, bao tay… nhưng vì mồ hôi ra nhiều, vướng víu nên giờ chẳng ai mang nữa; thậm chí không ít thợ cũng chẳng màng đến mũ bảo hộ. Anh Tuấn cho hay, hàng ngày đá dăm bắn vào người gây xây xát là bình thường, vết thương cũ chưa liền da đã xuất hiện vết thương mới. Đó cũng là lý do vì sao nhiều thợ đập bê tông bỏ việc chỉ sau một buổi làm. “Phải thấy máu mới có tiền, càng bị thương nhiều thì kiếm được nhiều tiền”, anh Hưng nói đùa.
Công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, bền bỉ nhưng theo anh Hưng, nhóm anh còn có hai lao động nữ tuổi U.50. “Hai chị về quê Thái Bình ăn Tết chưa vô. Mình khỏe  vậy nhưng thấy mấy chị cầm búa đập, dùng xà beng lật bê tông mà nể”.
Sau gần một giờ hì hục với những nhát búa bổ vào bê tông chan chát, anh Tuấn đưa tay gạt dòng mồ hôi chảy qua cằm, nói: “Nghỉ Tết khá lâu, nay đi làm lại tay chân còn “cứng”, phải vài hôm nữa mới bình thường trở lại”.
Âm thanh của từng nhát búa đều tay, nhịp nhàng vang dội cả một khoảng không. Những người thợ với lưng trần nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng như nung của tháng 3. Từng khối bê tông đang dần vỡ vụn, sắt thép lộ ra càng nhiều, niềm vui cũng hiện rõ trên những gương mặt đen sạm vì nắng.
Bài, ảnh: Trần Anh
Với thợ khỏe, thường họ không đập theo ngày mà nhận đập theo khối lượng sản phẩm và ăn chia với chủ thầu. Cũng có không ít người mua lại bê tông của chủ thầu để đập, chấp nhận may rủi.
 

Bình luận (0)