Trên trang Nhịp cầu sư phạm của Báo Giáo Dục TP.HCM số 912, ra ngày 8-12 ở mục “Câu chuyện giáo dục” có đăng bài “Khi câu tục ngữ bị cắt một nửa…” của tác giả Lê Phương Trí. Đọc bài báo chúng tôi rất đồng tình và tìm thấy được nhiều phát hiện mới lạ của người viết khi câu tục ngữ bị cắt một nửa làm mất đi tính hoàn chỉnh của một văn bản vốn có cấu trúc chặt chẽ. Đúng như tác giả khẳng định: Việc lấy câu “Thương cho roi cho vọt” để phân tích và bảo cách giáo dục của người xưa là không còn phù hợp với hiện nay là sai. Tác giả Lê Phương Trí cũng cho rằng, câu tục ngữ đối nhau sao lại tự ý cắt đi một nửa là không hiểu hết ý nghĩa sâu xa, thâm thúy của nó.
Tuy nhiên, từ trước tới nay câu tục ngữ vốn được hiểu nôm na là một lời khuyên đối với các bậc cha mẹ không nên quá nuông chiều con cái mà phải có biện pháp cứng rắn trong cách dạy dỗ trẻ. Cũng như tác giả Lê Phương Trí đánh giá, nếu nội dung ở vế trước của câu tục ngữ rất dễ hiểu thì ở vế sau không đơn giản chút nào. Nhưng, theo tôi, ở đây tác giả dân gian không phải khuyên người lớn ghét bỏ khi thấy trẻ làm điều sai trái cũng chẳng nhắc nhở bảo ban, thậm chí còn khuyến khích. Xét về cấu trúc ngữ pháp ở đây không phải quan hệ “do A nên B”, mà quan hệ ngược lại “nếu B thì A”. Như vậy hiểu đúng nghĩa của nó là: “Nếu cho roi cho vọt thì đó là cách thương, còn nếu cho ngọt cho bùi thì như thế là ghét con”. Hơn nữa, nếu hiểu như trước đó thì người lớn quá bất nhẫn và tàn ác (vốn không phải là cách dạy truyền thống của ông cha ta).
Còn cách nói một nửa, theo tôi, không phải người sử dụng không “rành” câu tục ngữ thông dụng này mà do đây là một câu quá dài lại có 2 vế nên phải nói rút gọn theo quy luật tĩnh lược của khẩu ngữ mà thôi. Nhân đây cũng bàn luận thêm, ngoài những câu tục ngữ đúng hoàn toàn còn có những câu nửa đúng nửa sai (tùy theo từng thời đại) nên cũng đừng vội vàng quy kết chúng kẻo mà oan uổng.
Hương Thủy (Thủ Đức)
Bình luận (0)