Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bán thép giá rẻ, DN bị nghi phá giá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong một hội nghị của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Tổng Giám đốc Lê Phú Hưng cho biết nếu cần thiết sẽ kiện Công ty Posco VN về việc bán phá giá thép. Tuy nhiên, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng chưa có dấu hiệu phá giá thép ở thị trường nội địa.

Có bán giá thấp
Ông Hưng cho biết từ năm 2009 đến nay, Posco liên tục bán thép với giá thấp hơn giá thành khoảng 30 USD/tấn. Trước tình hình giá thế này, để có thể bán được hàng, mới đây VNSteel phải hạ giá bán. Tuy đã hạ nhưng giá thép của VNSteel vẫn cao hơn sản phẩm cùng loại của Posco đến 20 USD/tấn.
Ông Hưng cho biết sáu tháng qua, các đơn vị thuộc VNSteel như Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ lỗ 25 tỉ đồng, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất lỗ mười mấy tỉ đồng… Các đơn vị này chỉ đạt 30% kế hoạch và giảm trên 35% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, VNSteel yêu cầu các đơn vị làm rõ, nếu cần thiết sẽ kiện Công ty Posco VN về việc bán phá giá thép.
Ngành thép là ngành có tính cạnh tranh cao vì sản lượng cung cấp vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa.Trong ảnh: Cân thép chuẩn bị nhập kho để xây dựng nhà ở.
Ông Phạm Chí Cường cho biết vừa qua các DN có văn bản gửi đến Hiệp hội để khuyến cáo lẫn nhau về tình hình giá thép. Tuy nhiên, ông khẳng định chưa có kiện tụng gì. Ông cũng cho biết thép Posco có giải trình là họ tuy có bán giá thấp hơn giá của một số DN khác nhưng họ vẫn bán cao hơn giá thành sản xuất, vẫn có lời chứ không bán phá giá. 
Cung vượt cầu, cạnh tranh gay gắt
Theo báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương công bố năm 2010, ngành thép là ngành có tính cạnh tranh cao vì sản lượng cung cấp vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Ngoài ra, chi phí cơ hội cho việc rút lui khỏi thị trường là rất lớn. Dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ kỹ thuật ngành thép xây dựng không thể sử dụng cho ngành khác nên DN cũng không thể bán lại cho DN khác. Do đó, DN thép cứ phải tiếp tục hoạt động trong ngành, dù kinh doanh không có nhiều hứa hẹn. Điều này làm cho sự cạnh tranh càng gay gắt.
Theo số liệu của VSA, năm 2010 sáu công ty sản xuất cuộn cán nguội có tổng công suất là 2,73 triệu tấn/năm; trong đó, riêng Posco chiếm đến 1,2 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng tiêu thụ của thị trường năm 2010 chỉ có 1,72 triệu tấn/năm, chỉ bằng 63% công suất. Ngoài ra, 31 công ty sản xuất thép cán xây dựng có tổng công suất gần 9 triệu tấn/năm nhưng thị trường tiêu thụ chỉ 5,6 triệu tấn/năm, cũng khoảng 63%…
Ông Cường cho biết dự án của Posco có đưa ra kế hoạch xuất khẩu 55% sản lượng làm ra. Tuy nhiên, đó là kế hoạch chứ không mang tính bắt buộc. Nếu Posco không xuất khẩu hoặc gặp khó khăn trong việc xuất khẩu thì sẽ càng tạo áp lực lên thị trường nội địa.
Chịu lỗ nhỏ để tránh lỗ lớn
Theo Nghị định 116/2005 hướng dẫn Luật Cạnh tranh thì việc bán hàng dưới giá thấp hơn giá thành sản xuất và chi phí lưu thông hàng hóa bị coi là “bán dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”.
Nghị định này cũng cho phép bán dưới giá thành trong sáu trường hợp được xem là hợp pháp, gồm: hạ giá hàng tươi sống, hạ giá hàng tồn kho giảm chất lượng hay lỗi mốt, hạ giá theo mùa vụ, hạ giá trong chương trình khuyến mãi, hạ giá vì chấm dứt kinh doanh, hạ giá theo chương trình bình ổn giá.

Ông Cường cũng cho rằng trong tình hình cạnh tranh, DN thép giảm giá bán để tăng tính cạnh tranh là bình thường. Việc DN đưa ra giá cạnh tranh như vậy là có lợi cho người tiêu dùng. Đôi khi DN còn phải bán dưới giá thành, chịu lỗ nhỏ để tránh lỗ lớn vẫn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu bán dưới giá thành sản xuất một cách bất thường và kéo dài nhằm triệt hạ đối thủ thì có thể vi phạm quy định về cạnh tranh, cần được theo dõi và xử lý.

Ông Cường cũng cho biết sản phẩm thép của công ty có vốn đầu tư nước ngoài có ưu thế vì công ty vốn nước ngoài có công nghệ hiện đại, công suất lớn, năng suất cao. Vì vậy, DN thép Việt Nam gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và các công ty vẫn thường “theo dõi” nhau. Đặc biệt, phải tiết giảm chi phí, hoạt động hiệu quả hơn để giảm giá thành, hạ giá bán thì mới có thể cạnh tranh được.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá cạnh tranh, “nếu xét tổng thể, VNSteel chiếm thị phần lớn, khoảng 35% nhưng bản thân các công ty trong tổng công ty cũng đang phải cạnh tranh với nhau do thép dư thừa và tồn kho khá nhiều. Hoạt động của tổng công ty kém hiệu quả vì năng lực sản xuất rời rạc, phân tán và phần lớn nhà máy có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ không hiện đại bằng các DN khác”…
Nguồn PHÁP LUẬT TP.HCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)