Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bận thi tốt nghiệp, nhận giấy báo dự thi thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Đăng ký hai khoa của một trường thì dự thi thế nào? Đã đăng ký nâng cao nhưng chọn chuẩn để làm có được không? Ghi số tờ sai quy định thì có bị huỷ bài thi? HV Quản lý giáo dục đào tạo gì, sau khi tốt nghiệp có thể làm ở đâu?…
 
Hỏi: Em đăng ký 2 hồ sơ thi ĐH vào 2 ngành của ĐH Xây Dựng: Khoa Dân Dụng Công Nghiệp và Khoa Cầu đường. Vậy khi đi thi em có phải bắt buộc phải chọn khoa nào hay không? mà nếu có thì khi em thi Khoa Dân Dụng nhưng không đủ điểm, chỉ đủ điểm vào Khoa Cầu Đường thì em có được xét tuyển vào Khoa Cầu Đường hay không? (thainha.10xtru1x@yahoo.com.vn)
* Trả lời:
Với hai bộ hồ sơ em sẽ nhận được hai giấy báo dự thi. Em phải chọn 1 trong hai giấy báo để dự thi, em chọn ngành dự thi ở giấy báo nào thì sau này sẽ là một trong những cơ sở để phân ngành.
Trường ĐH Xây dựng lấy điểm đầu vào theo khối thi chứ không lấy điểm chuẩn ngành nên một là em trúng tuyển hoặc trượt chứ không có chuyện em trượt ngành này sẽ sang ngành khác.
Nếu khi dự thi em đăng kí thi 2 môn Toán, Văn là thi theo chương trình nâng cao, nhưng lúc làm lại làm theo chương trình chuẩn thì có bị coi là vi phạm quy chế thi không? Nếu thế thì cả bài thi môn đó em không được tính điểm hay là chỉ không được tính điểm phần tự chọn? Khi chấm bài làm thế nào để giám khảo biết được thí sinh đó đăng kí phần chuẩn hay phần nâng cao? (lighthouse_crazy_48@yahoo.com)
Trên thực tế khi chấm bài thi thì gần như không thể phân biệt thí sinh nào đăng ký phần chuẩn hay phần nâng cao. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Bộ GD-ĐT thì thí sinh nên chọn phần riêng đã đăng ký để tránh tình trạng kiến thức ở phần riêng không nằm trong chương trình đã học.
Với lí do như trên thì em hoàn toàn có thể chọn phần riêng dành cho chương trình chuẩn để làm.
Em là thí sinh miền Bắc nhưng đăng kí trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, em được biết riêng trường này là yêu cầu thí sinh phải đến trường lấy giấy báo dự thi trong khoảng từ 31/5 đến 5/6 nhưng em phải thi tốt nghiệp ở miền Bắc nên không thể vào đó theo yêu cầu của trường vậy em muốn hỏi em có thể nhờ người nhà đến lấy hộ được không? (himalaya040506@gmail.com)
Tất nhiên là hoàn toàn được phép. Nếu thí sinh không đến nhận giấy báo dự thi được thì có thể nhờ người thân và bạn bè lấy hộ. Tuy nhiên, người đi lấy hộ phải có phiếu ĐKDT số 2 mà thí sinh uỷ quyền hoặc phải viết giấy cam đoan kèm theo xuất trình giấy chứng minh thư để cán bộ kiểm tra đối chiếu.
Sáng 2/6/2009, em thi tốt nghiệp THPT môn Văn, trong tờ bài làm có ô số tờ yêu cầu ghi bằng chữ viết và chữ số số tờ bài làm của thí sinh, em làm được 2 tờ, trong ô số tờ ghi bằng chữ số của mỗi bài, em ghi là 2a và 2b, khi nộp bài thì giám thị có nhắc nhở em không được ghi như vậy, cho em hỏi bài thi của em có được chấm không?­­­­ (saigonboy_xxx91@yahoo.com)
Về nguyên tắc thì em làm như vậy là không đúng với quy chế, cách ghi như vậy rất dễ bị liệt vào dấu hiệu đánh dấu bài thi.
Tuy nhiên dưới một góc độ nào đó thì em cũng không nên quá lo lắng. Với những lỗi như vậy thì tùy vào việc xem xét tình hình mà Hội đồng chấm thi sẽ đưa ra phương án giải quyết. Theo Ban tư vấn thì lỗi này có thể bỏ qua được.
Nếu em không đỗ kì thi ĐH năm nay thì năm sau em có được thi lại không khi Bộ GD-ĐT gộp hai kì thi thành một?(cobemuadong.maiyeu08@gmail.com)
Em chưa nên tính đến chuyện này. Trước mắt em nên tập trung ôn thi tốt ở kì thi năm nay đã.
Việc gộp hai kì thi thành một mới chỉ là dự kiến của Bộ GD-ĐT. Theo Ban tư vấn thì rất khó để triển khai việc này vào năm 2010.
Trong trường hợp có tổ chức kì thi THPT Quốc gia thì chắc chắn em vẫn được dự thi lại bằng cách đăng ký dự thi các môn mà trường mình muốn xét tuyển yêu cầu sau đó lấy kết quả để tham gia xét tuyển.
HV Quản lý giáo dục tuyển sinh những khối nào? Có những ngành học nào và công việc sau khi ra trường?(congchuabuongbinh54@gmail.com)
HV Quản lý giáo dục tuyển sinh 3 khối đó là A, C và D1. Trường đào tạo 3 ngành gồm Tin học ứng dụng (thi khối A); Quản lý giáo dục (thi khối A, C, D1) và ngành Tâm lý-Giáo dục học (thi khối C, D1)
+ Ngành Quản lý giáo dục:
Nơi làm việc: Cán bộ, chuyên viên các phòng/ban đào tạo, tổ chức hành chính, kế hoạch tài chính, đánh giá chất lượng, quản lý dự án, … trong các cơ quan quản lý GD-ĐT (Vụ, Viện, Sở, Phòng); Các trường, cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; các tổ chức chính trị, xã hội; Hoặc làm cán bộ giảng dạy.
+ Ngành Tin học ứng dụng
Nơi làm việc: Chuyên viên công nghệ thông tin tại các cơ quan quản lý GD-ĐT và các trường, cơ sở giáo dục; Các tổ chức, cơ quan Nhà nước, tư nhân; Các doanh nghiệp hoặc làm cán bộ giảng dạy.
+ Ngành Tâm lý – Giáo dục học
Nơi làm việc: Giáo viên, giảng viên tại các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; Cán bộ, chuyên viên, nghiên cứu viên tại các cơ quan quản lý giáo dục (Vụ, Viện, Sở , Phòng) và các cơ quan nghiên cứu; chuyên gia tư vấn tâm lý trong các trung tâm tư vấn tâm lý, các tổ chức chính trị xã hội.
Ban tư vấn tuyển sinh (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)