Dẫu biết khi làm nghề báo sẽ gặp nhiều vất vả, gian nan nhưng vì lòng yêu nghề, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn và cháy hết mình với công việc.
Phóng viên Kim Sáng (bìa trái) đang tác nghiệp
1.Dù đang học năm thứ 2 Trường CĐ Phát thanh Truyền hình 2, Nguyễn Thúy Nhi đã dấn thân làm báo từ những ngày đầu mới bước chân vào giảng đường. Thúy Nhi chia sẻ: “Người làm báo trong bối cảnh ngày nay phải đối diện với rất nhiều áp lực. Thế nhưng, nếu có ai hỏi em có muốn chọn lại ngành học của mình hay không, câu trả lời của em chắc chắn là không vì đối với em, báo chí không chỉ đơn thuần là một ngành nghề để kiếm sống mà đó là cuộc sống của mình”.
Vì lẽ đó, Thúy Nhi không ngừng nỗ lực, trải nghiệm ở nhiều đề tài, nhiều mảng, từ học đường, thanh niên, thời sự cho đến văn hóa, xã hội. Bởi với em, khi đi nhiều, viết nhiều mình sẽ được mở mang kiến thức, nâng cao tay nghề và hơn hết là kết nối với nhiều người để sau khi ra trường mình không phải bỡ ngỡ với công việc.
Hiện tại, Thúy Nhi chuẩn bị hoàn thành kỳ thực tập. Thúy Nhi cho biết em đã có nguyện vọng xin về Ban Chính trị – Xã hội của một tờ báo lớn ở TP.HCM. “Khá nhiều người khuyên em nên lựa chọn một tờ báo khác “dễ thở” hơn, nhưng đối với một người thích mạo hiểm như em thì đây là một trải nghiệm đáng quý của tuổi trẻ” – Thúy Nhi cho biết.
2.“Dù có ăn cơm với nước mắm, em vẫn yêu nghề báo”. Đây là câu khẳng định chắc nịch của phóng viên Kim Sáng (Báo Công lý). Kim Sáng là một phóng viên trẻ mới vào nghề. Bản thân em là một người rất yêu văn học và thơ ca nên từ hồi nhỏ em đã rất thích việc viết lách và em đến với nghề không phải bằng sự ngẫu nhiên mà do chính đam mê.
Nói về kỷ niệm với nghề, Kim Sáng nói rất nhiều nhưng kỷ niệm vui nhất, ý nghĩa nhất của Sáng là chuyến tác nghiệp ở miền Tây cách đây không lâu. “Lúc đó em chẳng cần ai phân công mà nghĩ ra đề tài về các vườn hoa, làng nghề dưới miền Tây và lên đường trên chiếc xe Cup 50 cũ để thực hiện. Hành trang lúc đó của em là cuốn sổ, máy ảnh, laptop và ba lô quần áo, hễ nơi đâu có làng nghề là em ghé tới. Cứ mỗi sáng, nhiệm vụ của em là lân la đến từng làng nghề rồi hỏi thăm, xin chụp ảnh. Có những nơi con đường đi vào nhà dân nhỏ xíu nhưng càng đi em lại càng thấy vui. Nghề báo vui có, buồn có, áp lực có, chính những thứ đó đã nuôi dưỡng em trưởng thành hơn, chín chắn hơn” – Kim Sáng chia sẻ.
3.Luôn muốn được bứt phá là cách sống và làm việc của Đỗ Tấn Đạt (CTV Báo Thanh niên) đối với nghề báo. Trước đây, khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành báo chí – truyền thông, Đạt xin làm cho bản tin nhỏ cho một cơ quan ở Q.10. Sau một thời gian, đạt thấy bản thân cần phải bứt phá hơn nữa nên quyết định nghỉ việc và làm CTV cho Báo Thanh niên. Trải qua 3 tháng đầu, Đạt được cấp tiền hỗ trợ hằng tháng, tuy là tiền chỉ đủ đổ xăng đi lại và ăn vặt nhưng em thấy rất vui và mình quyết định hứa với bản thân sẽ cố gắng hơn nữa. Đạt trải lòng: “Nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Điển hình là vụ ngã cây xanh tại một trường THCS ở gần đây. Lúc đó vì muốn bài theo kịp thời sự em chạy xe gấp đến hiện trường để ghi nhận tin, hình. Trên đường đi em bị quẹt xe trầy xước. Mặc dù là tai nạn nhỏ nhưng em cảm thấy rất là nguy hiểm khi nghề báo đòi hỏi cần phải có “tính thời sự”.
Dù khó khăn nhưng Đạt chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chuyển nghề để theo đuổi công việc khác. “Những lúc khó khăn thì cũng tự an ủi bản thân mình: đặc thù công việc báo chí là đi sớm về khuya, đôi khi nửa đêm mới “lọc cọc” về tới nhà. Nhưng em luôn nhắc nhở mình cần chạy xe thì cẩn thận hơn, đặc biệt là luôn để mình trong tâm thế thoải mái để suy nghĩ ra được nhiều đề tài, có những bài viết hay, tạo được tiếng vang lớn” – Đạt chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)