TP Biên Hòa (Đồng Nai) có 45 trường tiểu học với trên 48 ngàn học sinh, nhưng chỉ có 9 trường tiểu học bán trú. Thiếu trường bán trú, nhiều phụ huynh là công chức, công nhân không có điều kiện trông coi con cái đành chọn giải pháp gửi con tại nhà cô giáo.
|
Học sinh tại một trường tiểu học ở TP Biên Hòa sau giờ tan học được xe đón về bán trú tại nhà cô giáo |
Nhiều năm nay, căn nhà của vợ chồng anh Dũng, cô Th. ở phường Quang Vinh (TP Biên Hòa) trở thành điểm bán trú cho học sinh. Là giáo viên tiểu học, một buổi dạy ở trường, còn một buổi cô Th. nhận dạy tại nhà theo yêu cầu của phụ huynh.
Anh Thanh có con học lớp 1 tại trường Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tôi rất muốn cho con mình được học bán trú, nhưng không được, may mà có cô giáo nhận giữ các cháu ở nhà”.
Gửi con tại nhà cô giáo, anh Thanh đóng 500.000 đồng/tháng bao gồm tiền ăn trưa, tiền học và tiền xe.
|
Đồng lương eo hẹp, nhận thêm việc giữ hơn 20 học sinh tại nhà, cô Th. cũng có thêm thu nhập. Anh Dũng – chồng cô Th. làm đại lý cho một công ty bảo hiểm ở TP Biên Hòa nên có thời gian giúp vợ trông học sinh tại nhà.
Mỗi buổi sáng, khi cô Th. ở nhà nhận học sinh do phụ huynh đưa tới, thì anh Dũng đi chợ chuẩn bị thức ăn cho bọn trẻ. Đến 10 giờ trong khi vợ dạy bọn trẻ, thì anh Dũng về nhà nấu cơm. Nơi học của bọn trẻ cũng là nơi ăn trưa và là nơi nghỉ ngơi. Đến 12 giờ chiếc xe loại 15 chỗ được vợ chồng cô Th. hợp đồng tháng đến đưa bọn trẻ đến trường.
Ông P. một đại tá quân đội nghỉ hưu ở phường Tân Phong hằng ngày giúp vợ dạy hơn 30 học sinh bán trú. Ngoài việc bếp núc, ông P. còn cùng vợ dạy bọn trẻ tại nhà. Ông P. nói vui: “Ban đầu bọn trẻ gọi tôi là ông, bây giờ chúng gọi thầy hết rồi”.
Cô H. giáo viên dạy tại một trường tiểu học ở phường Tân Phong cho biết: “Phụ huynh đã gửi gắm nhiều năm rồi, hết giờ học ở trường các cháu lại đến nhà tôi ăn, ngủ, học cho đến hết ngày”.
Chuyện còn dài
Một cán bộ quản lý của Phòng Giáo dục TP Biên Hòa cho biết, trường học tại TP Biên Hòa đang thiếu rất nhiều, căng thẳng nhất là trường tiểu học. Năm học 2009 – 2010, TP Biên Hòa xây dựng thêm được 30 phòng học cho học sinh tiểu học, nhưng lượng học sinh vào lớp 1 đã tăng trên 4.000 học sinh. Nhiều trường đã có dự án xây dựng, nhưng vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Tấn Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa cho biết: “Hiện nội ô TP Biên Hòa không thể xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được vì không có quỹ đất. Các dự án xây dựng trường học khác thì vướng mắc vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thiếu vốn, vướng về quy hoạch, đền bù giải tỏa”. |
Trường bán trú phải là trường được xây đạt tiêu chuẩn quốc gia, mỗi lớp chỉ có sĩ số 30 – 35 em, nhưng hiện tại các trường tiểu học đang có sĩ số 45, 55 thậm chí trên 60 học sinh/lớp và có trường đang phải học ca ba thì nói đến chuyện học bán trú là rất khó.
Trong số chín trường tiểu học bán trú tại TP Biên Hòa thì có bốn trường dân lập, các trường bán trú công lập thì nằm ở các phường ngoại ô thành phố. Dù vậy phụ huynh thường tìm cách đưa con đến học trường bán trú công lập nên xảy ra áp lực lớn tại các trường này.
Như ở tiểu học Lê Thị Vân tại phường An Bình, có những năm phụ huynh suốt đêm ngồi ở cổng trường để chờ đến sáng nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Trường tiểu học Bình Đa cũng từng xảy ra áp lực như vậy, cuối cùng trường này phải bỏ hình thức bán trú mới giải quyết được lượng học sinh quá tải.
Đức Minh (TPO)
Tin liên quan
Bạn đã từng háo hức chờ đợi kết quả thi IELTS và không biết làm thế nào để kiểm tra một cách...
Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) vừa tròn 90 tuổi....
Người thầy khi đối với học trò bằng tình yêu thương thì không chỉ là người thầy mà còn trở thành người...
Chung kết cuộc thi AI Hackathon 2024 với chủ đề “Bảo vệ Hành tinh Xanh” đã khép lại với những màn trình...
Bình luận (0)