Bộ GD-ĐT yêu cầu các học viện, trường ĐH, CĐ sư phạm chủ động phối hợp những doanh nghiệp vận tải hành khách tổ chức bán vé tàu, xe tại trường, ký túc xá cho học sinh, sinh viên về Tết. Đồng thời, bố trí thời gian nghỉ Tết Ất Tỵ và tập trung sau Tết phù hợp; giảm áp lực giao thông trước, trong lẫn sau Tết.
Bộ GD-ĐT vừa qua có văn bản gửi các sở GD-ĐT, học viện, trường ĐH, CĐ sư phạm về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết
Văn bản nêu, thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Chỉ thị số 46 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán 2025, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT, học viện, trường ĐH, CĐ sư phạm chỉ đạo, tuyên truyền phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ.
Trong đó, các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức cam kết với cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ việc không giao mô tô, xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật; cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe hai bánh chạy bằng điện. Các học viện, trường ĐH, CĐ sư phạm chủ động phối hợp những doanh nghiệp vận tải hành khách tổ chức bán vé tàu, xe cho học sinh, sinh viên tại trường, ký túc xá. Đồng thời, bố trí thời gian nghỉ Tết Ất Tỵ và tập trung sau Tết phù hợp, giảm áp lực giao thông trước, trong lẫn sau Tết.
Với các cơ sở giáo dục, bộ yêu cầu vận động đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên nghiêm túc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; trong đó có quy định “đã uống rượu, bia, không lái xe”, không phóng nhanh vượt ẩu, không chở quá số người quy định, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông…
Phòng chống tội phạm, cháy nổ…
Phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy cũng là một số hoạt động quan trọng trong dịp Tết. Với nhiệm vụ này, bộ yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự xã hội, nâng cao kỹ năng để phòng chống tai nạn thương tích, phòng tránh các tệ nạn xã hội. Đồng thời, nâng cao cảnh giác, ý thức tự phòng ngừa đối với các phương thức, thủ đoạn của những loại hình tội phạm. Nhất là tội phạm hoạt động trên không gian mạng, tội phạm tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cờ bạc, cá độ bóng đá, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, phòng chống cháy nổ dịp nghỉ Tết. Nghiêm cấm học sinh, sinh viên tham gia sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ. Có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2024-2025 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Bộ GD-ĐT yêu cầu bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, phòng chống cháy nổ dịp nghỉ Tết. Nghiêm cấm học sinh, sinh viên tham gia sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ. Bộ cũng yêu cầu có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2024-2025 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 45 về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nội dung chỉ thị nêu nhận định, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm. Cùng với đó, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng – lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp.
Trong nước, chúng ta vừa phải khắc phục hạn chế, bất cập kéo dài nhiều năm vừa phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để giải quyết vấn đề phát sinh; nhất là ứng phó, khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất còn cao, sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm. Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế – xã hội nước ta đã phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Ất Tỵ vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cũng như thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; phòng tránh tệ nạn xã hội; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc phân công trực và bảo vệ trường học dịp Tết; quan tâm hỗ trợ chu đáo việc đón Tết đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết; chủ động phối hợp các doanh nghiệp vận tải hành khách tổ chức bán vé tàu, xe tại trường cho học sinh, sinh viên về nghỉ Tết.
Mê Tâm
Bình luận (0)