Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bán vốn Nhà nước: Những trở ngại tưởng như đơn giản

Tạp Chí Giáo Dục

Hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thường gặp khó khăn về bối cảnh thị trường, cơ chế hay chất lượng nguồn hàng… Thế nhưng, có những trở ngại khác tưởng như đơn giản.

Cuối tuần qua, SCIC đã tổ chức hội nghị với các công ty chứng khoán – những đầu mối không thể thiếu trong quá trình thoái vốn của “siêu tổng công ty” này thời gian qua, cũng như trong thời gian tới.

Năm 2010, SCIC dự kiến hoàn thành bán vốn tại 170 doanh nghiệp; để hoàn thành, kế hoạch dự kiến là triển khai ở 287 doanh nghiệp.

Nội dung chính của hội nghị là nhận diện những khó khăn trong hoạt động bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, cũng như tìm giải pháp thúc đẩy kế hoạch bán vốn trong thời gian tới.
Vướng từ doanh nghiệp
Có gần 20 công ty chứng khoán tham gia hội nghị trên. Đây là những đầu mối trực tiếp tham gia triển khai, tư vấn cho các đợt đấu giá, bán phần vốn mà SCIC đại diện tại những doanh nghiệp không cần nắm giữ trong thời gian qua.
Thông thường, khó khăn của SCIC trong thoái vốn là những trở ngại từ thị trường, như trong bối cảnh chứng khoán suy giảm; hay do một số vướng mắc trong cơ chế; hay do chất lượng nguồn hàng hạn chế… Nhưng, phản ánh từ những đầu mối trên đưa ra lại là những trở ngại tưởng như đơn giản.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), dẫn chứng: chỉ riêng yếu tố vùng – miền cũng đã là một khó khăn cần xét đến, nhất là khi một phần lớn trong số doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận có ở các địa bàn tỉnh lẻ.
Đã 3 năm qua TVSI hợp tác với SCIC trong hoạt động thoái vốn. Nhìn lại, đã có nhiều thành công nhưng không phải trường hợp nào cũng dễ thực hiện. Bởi theo phân tích của ông Cường, chính những yếu tố về tiềm lực và sức phát triển kinh tế của mỗi địa bàn, cụ thể ở các ngành và lĩnh vực, có ảnh hưởng lớn tới tiến độ và kết quả của việc thoái vốn. Điều này đã được TVSI kiểm nghiệm khi tiếp cận với khối doanh nghiệp ở khu vực miền Trung.
“Thậm chí có trường hợp chúng tôi hăm hở lên đường, nhưng khi làm việc thì họ… chưa biết gì”, ông Cường ví dụ.
Và theo phản ánh của đại diện một số công ty chứng khoán khác, những vướng mắc họ gặp phải khi xúc tiến các dịch vụ tư vấn hỗ trợ SCIC thoái vốn cũng chủ yếu có từ các doanh nghiệp cần bán; tập trung ở khả năng tiếp cận thông tin để định giá, công bố thông tin.
Theo đại diện Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), có những trường hợp họ rất khó tiếp cận để khai thác thông tin hoàn thiện hồ sơ; nhất là với những doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen cập nhật và công bố thông tin, hoặc khi công bố thì… chưa biết làm như thế nào.
Thực tế đó cũng được đại diện của SCIC khu vực phía Nam chia sẻ rằng, qua thực tế, kinh nghiệm mà tổ chức tư vấn rút ra là cần làm một bản mẫu công bố thông tin, để sẵn nhưng khoảng trống cho doanh nghiệp “lắp” vào, bởi có những trường hợp không biết làm sao để thực hiện các “gạch đầu dòng” mà phía công ty chứng khoán yêu cầu.
Cung cấp và công bố thông tin tưởng như đơn giản, nhưng theo một số ý kiến đưa ra tại hội nghị, việc tiếp cận khó khăn khiến các tổ chức tư vấn tốn kém cả về thời gian và công sức, thậm chí có thể ảnh hưởng tới yếu tố cơ hội trên thị trường. Trong trường hợp thông tin khó thẩm định và không đầy đủ, họ có thể gặp phải rủi ro…
Tránh thoái trách nhiệm

Cũng tại hội nghị trên, SCIC lạc quan khi đưa ra kết quả công tác bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua và chỉ tiêu trong năm 2010 này.

Nếu trong năm 2006, “siêu tổng công ty” chỉ thoái vốn tại 6 doanh nghiệp, thì năm 2007 đạt được 35, năm 2008 là 59 và năm 2009 đột biến với 238 doanh nghiệp – gấp hai lần tổng số đã bán trong 3 năm trước. Năm 2010, SCIC dự kiến hoàn thành bán vốn tại 170 doanh nghiệp; để hoàn thành, kế hoạch dự kiến là triển khai ở 287 doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC, kết quả trên là do một số vướng mắc trong cơ chế bán vốn đã được Chính phủ và Bộ Tài chính tháo gỡ và tạo điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, những khó khăn mà các công ty chứng khoán đưa ra nói trên không dễ để khắc phục được ngay; nhất là với những doanh nghiệp chưa có thói quen và ngại thay đổi, hoặc chưa thực sự có tinh thần hợp tác.
Một phân tích tại hội nghị cho thấy, không hẳn tất cả các doanh nghiệp mà SCIC lên kế hoạch thoái vốn đều ủng hộ và sẵn sàng hợp tác, bởi một lo ngại đặt ra là sau khi bán vốn Nhà nước, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó sẽ như thế nào? Điều này cũng đòi hỏi SCIC cân nhắc trách nhiệm của mình.
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cũng nhấn mạnh rằng hoạt động thoái vốn là nhiệm vụ được giao cho SCIC, nhưng yêu cầu đặt ra là không phải bán cho nhanh, cho được để “thoái” trách nhiệm đối với giá trị vốn Nhà nước, với chính hiệu quả của doanh nghiệp rút vốn.
“Bán vốn của mình thì dễ, của Nhà nước thì khó, vì vốn Nhà nước là sở hữu toàn dân, có sự giám sát chặt chẽ. Bán vốn là kế hoạch, mục tiêu đề ra, nhưng thoái vốn xong cũng phải đảm bảo không xáo trộn và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, việc thoái vốn phải xác định thực tế hoạt động của họ như thế nào, vào thời điểm nào cho phù hợp và thoái vốn là để doanh nghiệp sau đó hoạt động tốt hơn”, ông Hải nói.
Theo hướng trên, ý kiến ông Hải đưa ra là SCIC cần có cơ chế để khuyến khích các công ty chứng khoán xúc tiến việc tìm kiếm và mở rộng các nhà đầu tư tham gia các đợt thoái vốn, vừa tạo môi trường cạnh tranh để có những nhà đầu tư chất lượng cho doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện để nâng cao giá trị phần vốn của Nhà nước
Nguồn VNECONOMY

 

Bình luận (0)