Chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại hai trường THPT Tân Túc và THPT Vĩnh Lộc B (TP.HCM). Đồng hành cùng chương trình là ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).
ThS. Dương Thanh Văn giải đáp thêm thông tin về ngành nghề để các em học sinh hiểu rõ hơn |
Sự khác biệt giữa trường công và tư
Ngay từ đầu chương trình, các em học sinh Trường THPT Tân Túc đã mạnh dạn giơ tay đặt câu hỏi với Ban tư vấn. Nguyễn Quế Anh (học lớp 11B12) tâm tư: “Học lực của em hơi yếu nên muốn xét tuyển vào một trường CĐ bằng học bạ. Vậy em không tham gia kỳ thi THPT quốc gia có được không? Ngoài ra, em cũng muốn biết bằng tốt nghiệp ĐH của trường công lập và dân lập có gì khác biệt không?”. Trả lời những câu hỏi trên, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) khẳng định: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả những thí sinh muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, dù không dùng điểm để xét tuyển vào trường ĐH, CĐ nào, các em vẫn phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia. “Trường hợp của em Nguyễn Quế Anh, nếu nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển học bạ thì chỉ cần đăng ký tham dự kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT với 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Mức độ đề thi vừa sức với những thí sinh dự thi theo diện này”, ông Cường khẳng định.
Riêng về trường ĐH công và tư, ông Cường cho biết hiện cả nước có 285 trường ĐH, học viện; trong đó có 65 trường tư. Về cơ bản, chương trình đào tạo bậc ĐH của tất cả các trường có 65-70% giống nhau theo quy định của Bộ GD-ĐT. Khoảng 30-35% sự khác biệt chính là ưu thế riêng của từng trường. “Sự khác biệt giữa trường công và tư chỉ là vấn đề học phí. Học phí trường công thường thấp hơn do được Nhà nước cấp ngân sách. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều trường ĐH công lập đã được Chính phủ cho phép tự chủ tài chính như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…, nên học phí cũng không thua kém gì trường tư. Trên thực tế, bằng cấp chỉ chiếm 20% yêu cầu khi các em đi xin việc làm. Yếu tố quyết định lớn nhất là ngành nghề các em lựa chọn, những kỹ năng các em có được trong quá trình học, thái độ khi làm việc… Những yếu tố này các em hoàn toàn có thể rèn luyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, ông Cường nhấn mạnh.
Có mối quan hệ mới có việc làm?
Một học sinh nữ trong trường đặt câu hỏi với Ban tư vấn |
Tại Trường THPT Vĩnh Lộc B, Nguyễn Thế Hùng (học lớp 12A6) băn khoăn: “Em nghe nói nhiều người ra trường hiện nay phải dựa vào các mối quan hệ mới có việc làm. Ba mẹ em chỉ làm công nhân, không có những mối quan hệ lớn ngoài xã hội, vậy sau này học xong ĐH, CĐ, em phải làm sao mới tìm được việc làm?”. Băn khoăn của Hùng nhận được rất nhiều phản hồi từ các thành viên trong Ban tư vấn. Theo đó, ThS. Dương Thanh Văn (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nhìn nhận, đúng là nếu có mối quan hệ quen biết với những người đang làm ở các công ty, cơ quan, các em sẽ có nhiều thông tin về tuyển dụng nhân sự, quy trình tuyển dụng… Khi xin được vào làm việc thì cũng sẽ mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, đó chỉ mới là sự khởi đầu. Nếu không có năng lực, kỹ năng khi làm việc, những người này sẽ sớm bị đào thải hoặc trở thành cái bóng mờ nhạt trong công việc. Trên thực tế, quy trình tuyển dụng tại các công ty, nhất là các công ty nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay được thực hiện công khai, minh bạch và rất khoa học. Không chỉ đăng tin tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông, nhiều đơn vị còn tìm đến các trường ĐH, CĐ để mong tìm được những sinh viên giỏi như mình mong muốn. Đó là những người vững về chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, tốt về kỹ năng và nhất là phải có một thái độ làm việc cầu tiến, biết tiếp thu kiến thức mới. Thậm chí, nhiều đơn vị tuyển dụng nước ngoài đã nói rằng: họ chỉ cần những kỹ sư biết ngoại ngữ, biết học hỏi và chịu khó, vấn đề chuyên môn nếu chưa vững sẽ được đào tạo chuyên sâu trong quá trình làm việc sau này.
“Việc có mối quan hệ quen biết cũng rất tốt, nhưng theo tôi, các em không nên bận tâm vào những điều không đáng quan tâm này, vì chỉ khi nào được tuyển dụng theo một quy trình công khai, khoa học, các em mới có cơ hội đạt được những kết quả trong công việc sau này”, ThS. Văn nhấn mạnh.
Ngọc Anh
Bình luận (0)