Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bằng cấp chỉ là… chiếc vé vào cổng

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hùng Quân (Bộ phận tuyển dụng nhân sự của Tập đoàn FPT) trong phần giao lưu với học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Đồng Nai) tại chương trình Chắp cánh ước mơ do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH FPT tổ chức. Ông Quân chia sẻ: “Bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn, ngay từ phổ thông các em nên trang bị những kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ, làm việc nhóm… thì khi tốt nghiệp ĐH mới có đủ khả năng để thuyết phục nhà tuyển dụng”.

Cùng quan điểm với ông Quân, TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng các bạn trẻ đừng ngại chọn ngành nghề có nhiều người theo học. Theo đó, để không phải thất nghiệp, cần xác định “chọn ngách trong ngõ hẹp”, tức là phải xác định ngành chuyên sâu để theo. Ví dụ, các em học tâm lý học nhưng chọn ngành chuyên sâu là kỹ năng sống.

Trước câu hỏi của học sinh về việc có thể học hai ngành cùng lúc và làm thế nào để không bị chi phối? ông Hiếu khuyên: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Học bất kỳ ngành nào yêu thích, phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế của gia đình và được làm đúng chuyên môn của mình đã là thành công”.

Thực tế, do không xác định được ngành nghề ngay từ đầu khiến không ít bạn trẻ đã ngồi nhầm giảng đường, nhầm vị trí công việc để rồi lùi không được, tiến cũng không xong. Thời gian học đã là một cực hình, ra trường xem công việc hàng ngày là một nỗi ám ảnh. Vì thế, ông Hiếu khuyên cần có những sinh trắc để so sánh năng lực của mình với người khác, hỏi ít nhất 20 người thân của mình để xem tỷ lệ những câu hỏi lặp đi lặp lại… để đi đến quyết định chọn ngành nghề.

Trong khi đó, với kinh nghiệm của một người từng học ngành điện – tự động hóa nhưng lại gắn bó lâu dài với công việc nhân sự, ông Quân khuyên: “Khi có ước mơ phải hiện thực hóa ước mơ của mình. Với nghề nào mình thích thì phải tìm hiểu và “sống thử” với nó để hiểu sâu sắc hơn. Để biết mình thích và phù hợp với nghề gì thì cần phải trải nghiệm nhiều vị trí công việc khác nhau. Hãy chọn nghề theo thực tế mà xã hội cần, không nhất thiết phải theo nghề hot, nghề ổn định mà phải xác định ngách của nghề nào đó”.

Những câu chuyện về lập thân, lập nghiệp ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cũng được chia sẻ tại chương trình. Các học sinh gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, học hết lớp 12 phải tự kiếm việc làm để học tiếp cũng đừng nản chí. “Bất công chính là cơ hội để các em phấn đấu. Nếu không gặp bất công, chưa chắc tôi học hành đến nơi đến chốn và có một vị trí trong Tập đoàn FPT với mức lương mà bao người ao ước”, ông Quân khẳng định.

Trọng Tri

Bình luận (0)