Bằng cấp có thực sự quan trọng khi đi xin việc? Đây là vấn đề không mới nhưng được nhiều sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đề cập tại tọa đàm “Thử thách, cơ hội cho sinh viên thời đại 4.0”.
Sinh viên trao đổi với đại diện doanh nghiệp về cơ hội việc làm |
Tọa đàm này nằm trong khuôn khổ “Ngày hội việc làm 2018” do trường vừa tổ chức, thu hút 15.000 sinh viên trong và ngoài trường tham gia ứng tuyển vào hơn 4.000 vị trí tuyển dụng từ 49 công ty, tập đoàn. Dịp này, các doanh nghiệp đã hỗ trợ học bổng cho 63 sinh viên trường với tổng giá trị 180 triệu đồng.
Trả lời thắc mắc của sinh viên, ông Trần Bằng Việt (Tổng Giám đốc A SOLUTION) cho rằng sinh viên không nhất thiết phải tốt nghiệp bằng cấp quá ưu tú, không nhất thiết giỏi toàn diện nhưng phải nắm vững chắc những kiến thức chuyên môn để đáp ứng và bám trụ được với công việc. Theo ông Việt, giai đoạn nào cũng có những khó khăn, thách thức nhưng thành công sẽ đến với những bạn trẻ biết nhìn ra cơ hội. Thời sinh viên chính là thời điểm vàng để các bạn trẻ “hấp thụ” nhanh, hiệu quả kiến thức phục vụ công việc sau này. Vì vậy, các sinh viên cần tranh thủ tận dụng khoảng thời gian ĐH để ra sức học tập.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Bích Trâm (Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đông Nam Á, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM) nhận định thời đại hội nhập hiện nay hay bất kỳ thời nào cũng vậy, năng lực chính là yếu tố tạo cho ứng viên cơ hội để phát triển. Bằng cấp chỉ thể hiện ứng viên đó đã được đào tạo những gì, quan trọng các bạn trẻ thể hiện được điều đã học vào thực tế ra sao. Thực lực mới chính là yếu tố giữ chân các bạn lại với công việc. Bà Trâm cũng nhắn nhủ sinh viên xóa tư tưởng học xong cố gắng xin việc làm, thay vào đó cần nâng tầm giá trị bản thân, tốt nghiệp ĐH được chủ động chọn công việc phù hợp. Để làm được điều này, các sinh viên cần chuẩn bị kỹ kiến thức, kỹ năng, nội lực, lĩnh hội kinh nghiệm, nhất là trang bị tốt ngoại ngữ và kỹ năng mềm.
Đặc biệt, sinh viên cần biết định hướng lối đi ngay từ bây giờ, biết tận dụng triệt để thời gian ĐH để học tập, “nạp” thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mình cần. Bởi sau này khi ra làm việc, mặc dù có những cố gắng cũng như có đủ khả năng tài chính, việc học cũng sẽ gặp không ít sự phân tâm.
Ông Nguyễn Văn Thông (Tổng Giám đốc Công ty Thiên An Real) cũng cho rằng sinh viên ra trường thường mất 5-10 năm để thăng tiến trong nghề nghiệp. Ngay từ ĐH nếu các sinh viên chuyên tâm học tốt chuyên môn, sau khi ra trường sẽ không mất quá nhiều thời gian để mày mò. Có thể lĩnh vực công việc các em đang theo đuổi không được nổi bật so với những lĩnh vực thời thượng khác, nhưng các em biết kiên định, kiên trì bám đuổi sẽ rút ngắn thời gian thành công so với nhảy việc tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực khác.
Mê Tâm
Bình luận (0)